TS. Nguyễn Quốc Toàn: Phong cách lãnh đạo của Hồ Chủ tịch qua lý thuyết quản lý/quản trị hiện đại

Có thời gian ngồi phân tích phong cách lãnh đạo của Cụ dưới ngôn ngữ quản lý hiện đại, tôi càng thấy kính phục Cụ hơn, và cũng học được Cụ rất nhiều thứ. Xin chia sẻ một số bài học lớn nhận được từ cách lãnh đạo của Hồ Chủ tịch:

1) CÓ TẦM NHÌN RÕ RÀNG VÀ ÁM ẢNH BỞI TẦM NHÌN ĐÓ

Cụ Hồ luôn thể hiện rõ ràng mục đích và tầm nhìn của mình. Cụ đặc biệt ám ảnh và truyền đạt được rất tốt cho những người theo mình mục đích đó. Cụ có nhiều câu nói nổi tiếng, nhưng một trong câu nói mà tôi ấn tượng nhất là: “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.”

Câu nói này của Cụ thể hiện ý chí kiên định sắt đá về việc một nước Việt Nam thống nhất. Nó cũng thể hiện ám ảnh tột cùng của người lãnh đạo về tầm nhìn và cam kết của người lãnh đạo tổ chức nhằm đạt được tầm nhìn đó.

2) QUẢN TRỊ: TẬP TRUNG DỨT ĐIỂM VÀ QUẢN TRỊ BẰNG OKRs/KPI

a) Giải quyết dứt điểm những vấn đề then chốt

Nhà lãnh đạo thì không thể mất tập trung. Trong một thời điểm thì cần biết xác định cái gì là trọng tâm để giải quyết sao cho mọi việc thông suốt.

Sau ngày giành độc lập năm 1945, quyết sách đầu tiên của nhà nước Việt Nam non trẻ không phải là phát triển kinh tế, hay quân đội. Phiên họp đầu tiên ngày 3/9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch “Xóa nạn mù chữ”, coi “mù chữ” là một quốc nạn với tuyên bố: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Tuyên bố của cụ Hồ đánh vào lòng tự trọng, kiêu hãnh của cả dân tộc và tạo ra một làn sóng mạnh mẽ về học chữ. Các lớp học được lập lên khắp nơi, trong đình chùa, ở nhà, nơi cổng chợ… Hàng chục nghìn người tình nguyện dạy không lương. Và thế là một chính quyền non trẻ, không nguồn lực chỉ trong vòng 2 năm đã gần như xóa bỏ được nạn mù chữ. Cuối năm 1946, miền Bắc đã có thêm hơn 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Đó là một kỳ tích về giáo dục mà chúng ta làm được trong khoảng 100 năm qua.

Cụ Hồ khi lãnh đạo và quản lý đã biết cách tập trung giải quyết một việc, chỉ một việc thôi, nhưng là điểm mấu chốt nhất, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội hay tổ chức.

b) Quản trị bằng OKR/KPI

Một trong những lý thuyết quản trị hiện đại là quản trị bằng KPI (Key Performance Indicators – Các chỉ số hoạt động chính) và OKRs (Objectives by Key Results – Quản lý các Mục đích bằng kết quả then chốt).

Đây là những khái niệm quản lý rất hiện đại và hiệu quả. Không phải tổ chức nào cũng áp dụng áp dụng thành công những mô hình quản trị này. Nhưng có lẽ cụ Hồ đã áp dụng những phương pháp này khá rõ, dù hồi đó tôi đoán cụ chả hiểu OKRs là gì đâu, nhưng người có năng khiếu lãnh đạo bẩm sinh thì tự khắc sẽ biết làm điều đúng đắn.

Ví dụ OKRs về xây dựng một đất nước Việt Nam trong lời của cụ Hồ rất rõ ràng:

1. Đất nước hoàn toàn độc lập;
2. Dân hoàn toàn tự do.
3. Đồng bào có cơm ăn, áo mặc, được học hành.

OKRs của Cụ rất dễ hiểu, không màu mè, dễ định lượng và đo đạc được.

3) QUẢN TRỊ TÀI NĂNG LÀ CỐT TUỶ CỦA THÀNH CÔNG

Trong quản lý hiện đại thì quản trị tài năng nói một cách nôm na là biết dùng người, đãi ngộ người và xây dựng đội ngũ kế cận.

a) Chính sách thăng tiến (Promotion Policy)

Một trong những thách thức lớn của quản trị tài năng là chính sách thăng tiến và đánh giá nhân tài. Chính sách này cần phải được thiết kế làm đơn giản, dễ hiểu, đủ thách thức và dễ xác định. Mà Cụ Hồ thì đã làm được điều đó rất tự nhiên trong chính sách phong Tướng của mình.

Có lần phóng viên nước ngoài đã đặt câu hỏi tại sao lại phong nhiều tướng tá trong một lễ phong quân hàm như vậy, Cụ đã trả lời: “Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng.”

Câu trả lời rất rõ ràng, rất rành mạch và không thể hay hơn!

Thật là thú vị, vì đúng là khi đạt một thước đo nào đó thì sẽ được thăng chức. Nếu đủ tài năng đánh một trận chiến lớn do tướng của kẻ thù cầm đầu thì có lẽ hoàn toàn dễ hiểu khi người cầm quân phía ta được coi ngang hàng với một vị tướng.

b) Quy hoạch người kế nghiệm thật tốt (Successor planning)

Năng lực Quản trị tài năng cũng thể hiện trong việc chọn người kế cận. Một chiến lược chọn người kế nhiệm đúng đắn chỉ khi người ấy thực hiện được tốt nhất tầm nhìn và khát vọng của tổ chức chứ không phải vì yêu/ghét hay lợi ích cá nhân. Tầm nhìn của cụ Hồ thời đó là thống nhất đất nước. Và cụ đã chọn ông Lê Duẩn là người thực hiện chiến lược và tầm nhìn đó.

Năm 1957, ông Lê Duẩn ra miền Bắc và sau này trở thành Bí thư Thứ nhất trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Vì ai cũng nghĩ Cụ Hồ sẽ chọn ông Võ Nguyên Giáp hay ông Phạm Văn Đồng (những người học trò thân cận bên cạnh mình), chứ không thể nào chọn ông Lê Duẩn – người khi đó vốn hoạt động chủ yếu ở miền Nam và chỉ gặp Cụ duy nhất một lần trong 10 năm).

Nhưng không ai hiểu cách mạng miền Nam hơn ông Lê Duẩn, và có lẽ không ai quyết liệt với việc giải phóng miền Nam hơn ông ấy, nên có lẽ đó là lý do vì sao ông Lê Duẩn lại là người được chọn. Điều đáng ngưỡng mộ nhất của Cụ Hồ là khi (có vẻ bị) gạt ra về quyền lực trong những năm cuối đời của mình, Cụ đã không chọn làm Thái Thượng Hoàng mà làm đúng vai trò của mình, để ông Lê Duẩn có quyền quyết định cao nhất với sự nghiệp giải phóng miền Nam.

(Đoạn này tôi viết theo trí nhớ đọc ở đâu đó. Nếu có không chính xác hoặc viết giống ai thì xin được lượng thứ)

4) NĂNG LỰC LÀM TRUYỀN THÔNG/VIẾT ĐỈNH CAO

Năng lực truyền thông và giao tiếp là phẩm chất không thể thiếu được của một lãnh tụ/lãnh đạo xuất chúng. Bạn sẽ không thể nào huy động được số lượng lớn những người theo mình nếu bạn không có khả năng giao tiếp và hiệu triệu quần chúng/cộng sự.

Những trang viết/lời nói của cụ Hồ có sức lay động khủng khiếp đến hàng triệu người Việt. Cụ luôn viết/nói rất đơn giản, rõ ý, không văn hoa màu mè để ai cũng hiểu được, và đặc biệt đầy cảm xúc chân thực.

Hãy đọc những kiệt tác của Cụ là “Tuyên Ngôn Độc Lập” và “Lời Kêu Gọi Toàn Quốc Kháng Chiến”. Không ai không bừng bừng khí thế chiến đấu khi đọc những lời hiệu triệu lay động thế này:

“Không, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi Đồng bào, chúng ta phải đứng lên!….”.

Hồi Cụ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, 90% dân số vẫn mù chữ, nhưng ai cũng có thể dễ dàng hiểu thông điệp của Cụ. Bản Tuyên ngôn bắt đầu bằng trích dẫn Hiến pháp Mỹ, thể hiện quan điểm/nền tảng triết học của chính phủ Việt Nam cho các hành động của mình (chứ không phải là Cụ không có triết lý nhé).

Về hành văn, Bản Tuyên ngôn dùng những câu đơn giản, không sáo rỗng và lặp câu để tăng cảm xúc: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập! “

Có bao nhiêu lãnh đạo các tổ chức giờ viết được như Cụ?

5) KHIÊM NHƯỜNG (Humility)

Sự khiêm nhường và giản dị của cụ Hồ thì chắc không cần phải bàn nhiều. Mặc dù báo chí và truyền thông luôn ca tụng và thánh hoá, nhưng chắc cụ Hồ thì không hề muốn một lối sống như thế. Cụ hút thuốc, ăn mặc đơn giản, tránh tuyệt đối lễ nghi và quan trọng nhất là cụ chưa bao giờ điều hành đất nước theo kiểu độc tài để giữ lại các bổng lộc cho mình như nhiều nhà độc tài toàn trị khác.

Cụ cũng không đòi xây lăng tẩm cho mình, cũng chưa bao giờ ủng hộ việc tung hô mỗi khi đến. Tôi chưa nhìn thấy bức ảnh nào mà chụp Cụ Hồ khi đi thăm bất cứ nơi đâu mà có treo biển “Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại….” như nhiều lãnh đạo hiện giờ đều hân hoan đón nhận cả.

Jim Collins, tác giả của cuốn sách “From Good to Great” (Từ tốt đến vĩ đại) rất nổi tiếng với“Lý thuyết về Lãnh đạo” cho rằng, có 5 cấp độ để phân loại một nhà lãnh đạo:

  • Cấp độ 1: Cá nhân có khả năng cao
  • Cấp độ 2: Đóng góp cho đội nhóm
  • Cấp độ 3: Người quản lý có thẩm quyền
  • Cấp độ 4: Nhà lãnh đạo hiệu quả.
  • Cấp độ 5: Nhà lãnh đạo vĩ đại

Chiếu theo Lý thuyết này, thì phong cách lãnh đạo của cụ Hồ sẽ được phân loại vào tầng thứ 5: ở những lãnh đạo này có sự kết hợp kỳ lạ và đặc biệt giữa tham vọng, ý chí tột cùng và sự khiêm nhường vĩ đại. Tham vọng của họ rất lớn nhưng không vì mục đích cá nhân mà luôn vì tổ chức và mục đích chung.

Anh chị em lãnh đạo chúng ta hãy học tập theo gương Cụ Hồ nào!

TS. Nguyễn Quốc Toàn – Tổng Giám đốc Tập đoàn EQuest
Bài viết gốc: Facebook Toan Nguyen

TIN TỨC KHÁC