TS Đàm Quang Minh
TTCT – Sau cú sốc Covid-19 và những loay hoay vô định, các định hướng giáo dục đang trở nên định hình và rõ nét hơn. Nó sẽ dẫn dắt những ai chủ động thích ứng và đào thải nhanh chóng những ai có sức ỳ và thiếu sáng tạo.
Cách đây 8 năm, vào năm 2013, GS Frey và GS Osborne (ĐH Oxford) đã công bố một báo cáo về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 lên việc làm và tương lai của giáo dục đáp ứng nhu cầu đó. Theo bản báo cáo, có tới 47% nghề nghiệp hiện hữu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Một tương lai bất định bao trùm các đánh giá về mọi mặt, từ kinh tế đến nghề nghiệp và giáo dục.
COVID-19 lại cho thêm một cú hích kịch tính và dứt điểm cho các nhận định về tương lai. Sau một thời gian loay hoay trong vô định, xu hướng mới về giáo dục đang rõ ràng hơn, giúp các quốc gia có thể định hướng chiến lược cho phát triển. Sự tự tin đã dần quay lại với các nhà hoạch định chính sách, định hướng cho giáo dục và định hướng nghề nghiệp tương lai rõ ràng hơn, theo các hướng kinh tế số, xanh sạch và chăm sóc.
Bóng ma VUCA
Thời đại VUCA (viết tắt từ Volatility – biến động, Uncertainty – không chắc chắn, Complexity – phức tạp, Ambiguity – mơ hồ) được sử dụng để mô tả tính đa cực và không chắc chắn của các điều kiện trong xã hội.
Singapore đã có chiến lược rõ ràng để ứng phó với sự bất định này bằng cách xây dựng khung nghề nghiệp mới, mở ra cơ hội học tập, nâng cấp công việc cho những lao động trung và cao tuổi. Quốc gia này đã triển khai chương trình SkillsFuture 2016 để thực hiện mục tiêu trên và đồng thời cổ vũ cho xã hội học tập suốt đời (longlife learning).
Teo Boon See, 46 tuổi, đã làm trong ngành vật lý trị liệu gia đình suốt 19 năm. Trong thời gian đó cô học thêm thạc sĩ y học gia đình và tham gia chăm sóc điều trị nhiều trường hợp khó trong y học. Cô nhận được sự hỗ trợ của chương trình SkillsFuture. Trường đại học Quốc gia Singapore nhận cô làm phó giáo sư thỉnh giảng để dạy các chuyên đề về giao tiếp với bệnh nhân, hướng dẫn thực hành y tế gia đình.
Bác sĩ Teo được Singapore nêu tên như một nhân vật điển hình của việc thích ứng với VUCA thông qua học tập suốt đời và được chính phủ hỗ trợ. Tất nhiên, bà không phải là người duy nhất có được điều đó. Ngay trong năm đầu tiên triển khai, SkillsFuture đã tổ chức hơn 1 triệu lượt đào tạo cho 430.000 người tham gia – một con số rất lớn so với trên 2 triệu lao động người Singapore.
Nhưng không phải quốc gia nào cũng ban hành được những chiến lược sắc nét và bước vào hành động một cách rõ ràng, nhanh chóng như thế. Đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn bối rối trong những thay đổi mang tính hệ thống như vậy.
Cú sốc COVID-19
Ngay trong năm đầu tiên, COVID-19 đã khiến toàn bộ thế giới chao đảo. Tháng 4-2020, toàn bộ học sinh nghỉ học trên thế giới lên đến 1,2 tỉ học sinh. Chưa bao giờ hệ thống giáo dục toàn cầu lại phải chịu một chấn động quy mô lớn như vậy.
Khi không thể đến trường, học sinh phải học theo những phương thức chưa từng có, tình trạng thất học cũng chưa từng có. Và đồng thời, chưa khi nào thế giới chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có của hàng trăm, hàng ngàn giải pháp học dựa trên công nghệ ở quy mô toàn cầu.
Trong năm 2021, bệnh dịch được kiểm soát tốt hơn, độ phủ vắc xin tăng dần đã giúp các nền kinh tế dần ổn định và đi vào bình thường mới. Lớp học được mở cửa trở lại theo cách thức mới, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: không phải học thông thường, cũng không phải trực tuyến mà là kết hợp giữa hai thứ này. Học sinh vừa học trên lớp, vừa học ở nhà. Và đó cũng là thách thức chưa từng có đối với các trường học và giáo viên trên toàn cầu.
Theo UNESCO trong một bài báo vào tháng 5-2021, khái niệm HELA (Hybrid Education, Learning and Assessment) – giáo dục lai – là cách giờ đây chúng ta dùng để gọi cách học mới này.
Theo đó, các nhà trường bắt buộc phải đáp ứng một điều kiện học tập mới: đảm bảo chất lượng và không có sự khác biệt giữa học trực tiếp tại lớp hay trực tuyến ở nhà. Và vì thế, các nhà trường cần tới chương trình học đảm bảo tính công bằng và dân chủ cho người học, đáp ứng tất cả các nhu cầu và tiềm năng của người học. Chương trình học cần liên tục trên cơ sở sử dụng nhiều công cụ và nền tảng tương tác khác nhau.
Quan trọng nhất, quan hệ giữa người học và giáo viên cũng sẽ thay đổi theo hướng giáo viên trở thành “huấn luyện viên” nhiều hơn người truyền thụ hoàn toàn. Và dẫu có lạc quan thế nào về một sự tái lập bình thường cho các trường học, khi học sinh có thể quay lại trường, chắc chắn việc mô hình học lai và học trực tuyến sẽ trở thành đương nhiên đối với các lớp học trong tương lai.
Trong nhiều dự đoán về giáo dục hậu COVID, có nhiều quan điểm chung: quá trình cải cách học tập sẽ còn tiếp tục theo hướng đưa nhiều công cụ vào học hơn, việc đào tạo giáo viên sử dụng công cụ mới là quan trọng và không gian, thời gian học tập cũng trở nên linh hoạt hơn.
Thực tế là những ngày cuối năm 2021, theo thống kê của UNESCO, chỉ còn khoảng 10 triệu học sinh bị ảnh hưởng của COVID nên không đến được trường học so với con số 1,2 tỉ học sinh vào thời điểm cao nhất.
Việt Nam, thời điểm này vẫn là điểm nóng về bệnh dịch, số học sinh không được tham gia học tập trực tiếp khá cao. Các giải pháp đưa việc học trở lại theo phương án học lai, vừa trực tiếp vừa trực tuyến bắt đầu nhen nhóm thực hiện khi thực tế cho thấy sẽ có nhiều học sinh không đến được lớp do bị cách ly, trong khi nhiều bạn bè có thể đi học bình thường.
Sự chủ động ấy có thể thấy ở Bắc Giang, nơi lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo đã xác định 3 phương án đào tạo gồm: trực tiếp, trực tuyến và song song. Những kinh nghiệm của tỉnh này sẽ hữu ích cho nhiều trường học của Việt Nam trong thời gian tới.
Định hướng hậu COVID và hậu VUCA
Sau 5 năm triển khai chương trình SkillsFuture theo hướng bồi đắp cho học tập suốt đời phù hợp với nhận định về một xã hội kinh tế bất định, Singapore ra bản đánh giá mới vào cuối năm 2021 nêu rõ 3 trụ cột cho nền kinh tế trong tương lai: Kinh tế số, Kinh tế xanh và Kinh tế chăm sóc.
Với nền kinh tế số, không còn sự choáng ngợp như báo cáo của các tổ chức lớn vào năm 2008 – 2012 về sự biến động to lớn, kinh tế số hiện rõ ràng hơn về định hướng với dự báo chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế toàn cầu thập niên tới. Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định vào năm 2022, gần 30% cơ hội việc làm mới toàn cầu sẽ là các lĩnh vực về dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ thuật máy tính và điện toán đám mây.
Nền kinh tế số sẽ mang lại nhiều việc làm mới như các lĩnh vực tiếp thị số (Digital marketing) thương mại điện tử (E-commerce), kỹ sư phần mềm, kỹ sư mạng máy tính, lập trình ứng dụng, kỹ sư dữ liệu, phân tích dữ liệu, phân tích tuân thủ và khoa học dữ liệu. Tất cả những ngành này đã, đang và sẽ phát triển rất nhanh.
Kinh tế xanh cũng nổi lên mạnh mẽ với yêu cầu ngày càng cấp bách về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Cơ sở cho nó là một tinh thần sống xanh đã có sự hưởng ứng của toàn thể các cộng đồng và là đòi hỏi cấp bách. Các thành phần kinh tế đều đã ý thức được và cho thấy họ sẽ phải dịch chuyển từ các hoạt động gây thải sang các hoạt động kinh tế xanh nhằm giải quyết các bài toán sống còn: phát triển dựa trên ít sử dụng carbon, mô hình kinh tế xanh, phát triển xanh.
Giống như quá trình chuyển đổi số, sẽ có một quá trình chuyển đổi xanh với các công việc, kỹ năng liên quan đến vấn đề này. Các kết quả nghiên cứu gần đây về thịt nhân tạo, pin nhiên liệu, xe điện đã có những bước tiến vượt bậc hướng tới ứng dụng thực tiễn rộng rãi. Các công việc dự kiến sẽ tăng trưởng trong thời gian tới gồm có: công nghệ nông nghiệp, nông nghiệp đô thị, kinh doanh năng lượng, quản lý môi trường và sức khỏe, kỹ sư điện, cơ khí, điện mặt trời, quản lý bền vững…
Cuối cùng, với sự phát triển của y học và nền kinh tế, tuổi thọ con người sẽ tăng đi kèm các nhu cầu dịch vụ gia tăng trên nhiều độ tuổi. Nền kinh tế chăm sóc sẽ có những hướng phát triển mạnh mẽ, không giới hạn trong việc chăm sóc sức khỏe, nền công nghiệp về chăm sóc sẽ bao gồm cả về cảm xúc, hạnh phúc, giáo dục sớm, giáo dục phổ thông, đào tạo và giáo dục người lớn. Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, việc làm từ các lĩnh vực này thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nền kinh tế số và chiếm 40% việc làm mới.
Singapore một lần nữa tỏ ra rất nhanh nhạy khi đưa ra các chiến lược về phát triển tương lai thông qua giáo dục và đào tạo. Khác với lần trước tập trung vào vấn đề chuyển đổi, lần này SkillsFuture đưa ra rõ ràng các nghề nghiệp trong tương lai, các kỹ năng cần thiết nhằm định hướng các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện theo.
Việt Nam trong những năm gần đây cũng bắt nhịp với việc kêu gọi chuyển đổi số. Nhưng một nền kinh tế đầy đủ cần nhiều hơn thế và cần bắt tay ngay vào hành động để nắm bắt và theo kịp những xu thế kinh tế của tương lai. Từ những nhận định này về kinh tế, các bài toán về giáo dục cũng lần lượt được đặt ra theo đúng hướng.
Cú sốc từ hai năm Covid cũng sẽ chấm dứt gần một thập kỷ vật lộn hoang mang trong sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số, để thấy được xu hướng phát triển thế giới đã định hình và trên đà tăng trưởng tập trung, thấy được những con đường chủ đạo để đi. Giáo dục và đào tạo cũng thế, sau cú sốc COVID, ta hiểu được rằng sự chủ động thích ứng nhiều hoàn cảnh là quan trọng, và sẽ tiếp tục với bước đi vững chãi và rõ ràng hơn rất nhiều. ■
(*) Tập đoàn Giáo dục EQuest.
Một điểm tích cực của giáo dục Việt Nam năm qua là sự “cởi trói về tư duy” khi chấm dứt sự phụ thuộc duy nhất vào một bộ sách giáo khoa. Với tư duy tích cực và rộng mở ấy, tiếp tục cởi mở chương trình, hỗ trợ các trường đại học tự chủ thật sự và khuyến khích tự do học thuật sẽ là những biện pháp đối phó linh hoạt và hữu hiệu cho sự bất định. |
Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần