Ngành Thiết kế Đồ họa là một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại. Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ và Trí tuệ nhân tạo (AI), Thiết kế độ họa đang có sự thay đổi, dẫn đến việc các giảng viên thiết kế đồ họa luôn phải liên tục học hỏi, cập nhật kỹ năng và tư duy để hướng dẫn và hỗ trợ học viên đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại.
Giảng viên Võ Thị Thu Hằng, Trưởng Khoa Thiết Kế tại trường Cao Đẳng Việt Mỹ – Thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest, đã chia sẻ về phương pháp giảng dạy trong ngành Thiết kế Đồ họa trong bối cảnh Công nghệ và Trí tuệ nhân tạo hiện nay.
Công nghệ và Trí tuệ nhân tạo đã ảnh hưởng đến phương pháp đào tạo của người làm công tác giảng dạy trong ngành Đồ hoạ như thế nào? AI mang lại lợi ích hay thách thức nhiều hơn, thưa cô?
Cô Hằng: Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là Trí tuệ Nhân tạo (AI) đã tối ưu hoá công việc của những nhà thiết kế đồ hoạ nhờ những công cụ sáng tạo tự động. Tuy nhiên, khi áp dụng AI vào giảng dạy, chúng tôi phải đặt ra các quy định và giới hạn trong việc sử dụng AI để đảm bảo sự công bằng cho mọi người.
Ví dụ, trong môn Nghệ thuật Nhiếp ảnh, chúng tôi sẽ hướng dẫn sinh viên sử dụng AI để sản xuất hình ảnh, sau đó cho các em so sánh với thành phẩm mình đã tự chụp để tìm ra sự khác biệt, hoặc trong môn Thiết kế Dàn trang ấn bản, chúng tôi sẽ lưu ý và cảnh báo các em về tính xác thực, hợp lý hoá nội dung do AI tạo ra để các em có thói quen kiểm chứng nguồn tin trước khi sử dụng bất kỳ một công cụ mới nào.
Cô có thể chia sẻ một vài những sáng kiến nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy đối với bộ môn Thiết kế – Đồ hoạ hiện nay trong quá trình giảng dạy và truyền nghề cho các bạn trẻ tại Cao Đẳng Việt Mỹ, không? Và cô hướng đến điều gì với những phương pháp đó?
Cô Hằng: Trong quá trình giảng dạy môn Thiết kế Đồ hoạ, tôi đã áp dụng lý thuyết thiết kế phổ quát khi lên kế hoạch giảng dạy, cụ thể ở 3 khía cạnh sau đây:
- Thiết Kế Môi Trường Học Tập Thân Thiện: Tôi tạo ra môi trường học tập phù hợp với mọi đối tượng sinh viên, đặc biệt chú trọng đến những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Lớp học được sắp xếp sao cho tạo điều kiện tương tác tốt nhất, giúp tăng hứng thú và hiệu quả học tập.
- Tối Ưu và Sáng Tạo Trong Truyền Đạt Lý Thuyết: Sử dụng đa dạng phương tiện, trong đó có AI, tôi sẽ tạo ra môi trường học trực tuyến tương tác cao. Các bài thuyết trình được thiết kế sáng tạo, giúp giảm căng thẳng và tăng tương tác giữa giảng viên và sinh viên.
- Tăng Cường Thực Hành: Thực hành là phần quan trọng nhất trong môn Thiết kế Đồ họa. tôi sẽ khuyến khích sinh viên thể hiện tài năng qua các dự án thực tế. Ví dụ, một sinh viên khiếm thính đã vượt qua khó khăn để hoàn thành bài thực hành phim ngắn bằng cách sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ.
Là một giảng viên 8x, theo quan điểm của cô, người giáo viên cần cập nhật và đổi mới như thế nào để có thể tận dụng được những xu thế mới hiện nay, nhưng vẫn giữ được những giá trị “unique” thuộc về con người?
Cô Hằng: Trước những xu hướng mới, tôi cho rằng giáo viên cần áp dụng công nghệ một cách cân bằng và vừa đủ thông qua việc kết hợp sự đổi mới và các giá trị nhân văn. Chúng ta không thể phủ nhận rằng sử dụng công cụ số có thể tạo điều kiện cho việc cá nhân hóa học tập và nâng cao trải nghiệm giáo dục, nhưng bản thân người giáo viên cũng cần nuôi dưỡng các giá trị con người như sự thấu cảm, sáng tạo và tư duy phản biện.
Chúng tôi luôn Phát triển Chuyên môn Liên tục (Continuing Professional Development) thông qua các dự án cộng đồng hoặc chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp và dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa như thể thao, du lịch và đi bộ đường dài. Những trải nghiệm thực tế này cung cấp cơ hội cho sự thư giãn, cân bằng giữa công việc, cuộc sống và phát triển cá nhân, có thể từ đó cải thiện thực hành giảng dạy trên lớp của mình. Một giáo viên hạnh phúc mới có thể tạo ra những lớp học hạnh phúc.
Cuối cùng, dù ở thời đại nào, người giáo viên luôn cần cố gắng trở thành một tấm gương cho học sinh, sinh viên của mình. Đặc biệt là duy trì sự cân bằng giữa việc đón nhận xu hướng mới và việc bảo tồn giá trị con người. Người giáo viên cần truyền cảm hứng cho học sinh của mình với những nguyên tắc để cân bằng cuộc sống và hướng đến việc không ngừng học tập.
Giảng dạy trong thời đại AI có khi nào có thể nảy sinh những xung đột về việc mất đi những tiêu chuẩn trong việc dạy và học truyền thống, những kỹ năng nghiệp vụ cơ bản không ạ? Và đâu là những điều cốt lõi vấn phải lưu ý, giữ gìn và phát huy?
Cô Hằng: Trong thời đại AI, việc tích hợp công nghệ vào giáo dục không chỉ mang đến nhiều cơ hội mà còn mở ra rất nhiều thách thức. Và để giải quyết những thách thức ấy, chúng ta cần tập trung vào ba khía cạnh cốt lõi.
- Xây Dựng Thói Quen Học Tập Linh Hoạt: Chúng tôi vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng và tạo điều kiện cho sự phát triển của học sinh.
- Tuân Thủ Tiêu Chuẩn Đạo Đức Nghề Nghiệp: Đảm bảo việc sử dụng AI được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, tôn trọng quyền riêng tư và đảm bảo tính công bằng.
- Cân Nhắc Giữa Công Nghệ và Tương Tác Con Người: Giữ vững sự phát triển đồng đều giữa cảm xúc, tư duy phản biện và kỹ năng xã hội.
Tóm lại, việc tích hợp AI vào giáo dục mang lại nhiều cơ hội và thách thức. Với một vài những lưu ý của cá nhân tôi, hi vọng những người làm giáo dục nói chung và những giảng viên trong bộ môn Thiết kế Đồ họa nói riêng có thể tìm thấy những phương pháp riêng của mình để áp dụng công nghệ một cách hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy trong thời đại này, cũng như có những hỗ trợ tốt cho các bạn học viên.
Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của cô!
Cô Võ Thị Thu Hằng – Trưởng Khoa Thiết Kế, trường Cao Đẳng Việt Mỹ – Thạc sĩ Mỹ thuật Ứng dụng, Nhà thiết kế Liên ngành.Với 12 năm kinh nghiệm trong ngành thiết kế và mỹ thuật ứng dụng tại các công ty dệt may và dự án thời trang độc lập trong và ngoài nước. Năm 2021, cô đoạt giải thưởng thiết kế bền vững Filmar COLORAMA Award tại Ý cho bộ sưu tập dự báo xu hướng màu sắc cho sợi len và thời trang dệt kim. Bên cạnh đó, cô có trên 5 năm kinh nghiệm giảng dạy mỹ thuật sáng tạo cho trẻ em, học sinh và sinh viên mọi độ tuổi. Tại Cao Đẳng Việt Mỹ, cô tham gia giảng dạy các môn học cơ sở ngành như Mỹ học và lịch sử thiết kế, Công cụ thiết kế Adobe, Nhiếp ảnh và Kỹ năng làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo.Cô Hằng tốt nghiệp Cử nhân Thiết Kế Thời Trang tại Đại Học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí tôi và Thạc sĩ ngành Mỹ Thuật Ứng Dụng tại Đại Học Tôn Đức Thắng. Cô từng nhận được Học bổng chính phủ Đan Mạch Danida Fellowship về Quản trị sự thay đổi của tổ chức, Học bổng chính phủ Úc Aus4Skills và các tập huấn cao cấp về Quản lý giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng lực sư phạm và phương pháp thiết kế phổ quát cho giáo dục nghề Design từ các chuyên gia quốc tế. |