Câu chuyện phân luồng từ thế giới và bài học cho Việt Nam

Phân luồng người học là chiến lược giáo dục và nguồn nhân lực quốc gia không chỉ của Việt Nam mà là chính sách của tất cả các quốc gia. Lịch sử về đào tạo phân luồng người học đã có hơn 100 năm ở các quốc gia phát triển và họ vẫn tiếp tục cải tiến để đáp ứng tình hình phát triển mới. Nếu như CHLB Đức được biết đến với việc phân luồng rất sớm thì nước Mỹ, từ những năm 1980 lại loại bỏ hệ thống phân luồng theo kiểu Đức.

Bài viết của Th.S Giáo dục ĐH Harvard – Hệ thống giáo dục Alpha School Lương Hiền Trang và Tổng giám đốc Khối phổ thông Tập đoàn giáo dục EQuest Đàm Quang Minh sẽ mang đến một góc nhìn đánh giá ưu nhược điểm giữa hai hệ thống để hiểu được lý do sâu xa và cách vận hành hệ thống phân hóa người học của các quốc gia. Từ đó dẫn tới các gợi ý về mặt chính sách cho giáo dục Việt Nam, đặc biệt đẩy mạnh hiệu quả từ việc học tập phân hóa và phân luồng học sinh.

Không có một công thức chung

Việc tổ chức phân luồng học sinh theo năng lực đã có lịch sử được áp dụng lâu đời ở đại đa số các nước OECD. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, một số quốc gia OECD có xu hướng dỡ bỏ hệ thống phân luồng hoặc lùi thời điểm phân luồng, tiêu biểu như Thụy Điển, Anh, Ý và Na Uy từ những năm 1960, Pháp và Mỹ từ 1980, và Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ 1990.

Ông Đàm Quang Minh – Tổng giám đốc Khối phổ thông Tập đoàn giáo dục EQuest.

Hiện nay, chỉ có Đức và Áo là vẫn giữ nguyên hệ thống phân luồng từ rất sớm. Ngay từ khi học xong tiểu học, hầu hết học sinh ở Đức đã được kiểm tra đánh giá và phân luồng. Toàn bộ hệ thống giáo dục bậc trung học của Đức về cơ bản là một hệ thống ba luồng: (1) Gymnasium với chương trình 8 năm dành cho học sinh giỏi, chuẩn bị vào đại học, (2) Realschule với chương trình 6 năm cho học sinh có năng lực khá, và (3) Hauptschule với chương trình 5 năm dành cho học sinh phù hợp với ngành nghề phổ thông.

Ở thái cực đối lập, Mỹ hiện nay hoàn toàn không có hệ thống phân luồng. Vào những năm 1920, hệ thống giáo dục Mỹ có phân luồng ra 3 hệ tương tự như ở Đức, nhưng những cải cách giáo dục từ năm 1980 tới nay đã xóa bỏ hoàn toàn hệ thống phân luồng. Thay vào đó, các trường trung học công lập của Mỹ đều theo mô hình trường học toàn diện, trong đó chương trình học sẽ bao gồm nhiều môn tự chọn (electives). Các môn tự chọn có thể là những môn cơ bản (basic, college-prep), những môn nâng cao, thiên về học thuật (AP, Honors) hoặc CTE (đào tạo nghề). Học sinh tùy chọn dựa theo sở thích, năng lực và định hướng của bản thân.

Cái khó của chính sách phân luồng

Việc có nên phân luồng học sinh hay không luôn có nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều trên toàn thế giới. Nhìn vào ưu điểm, việc phân luồng sẽ giúp học sinh được học theo đúng trình độ và khả năng, hình thành định hướng ngành nghề từ sớm, từ đó có thể tập trung dành thời gian cho những kỹ năng và công việc học sinh cảm thấy phù hợp.

Bà Lương Hiền Trang – Th.S Giáo dục ĐH Harvard – Hệ thống giáo dục Alpha School.

Về mặt xã hội, việc phân luồng giúp đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, khi phân luồng, học sinh ở nhóm dưới sẽ không có cơ hội tiếp xúc với những bạn đồng trang lứa có khả năng học tập tốt hơn, dẫn tới việc thiếu động lực để phấn đấu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phân luồng làm gia tăng ảnh hưởng của hoàn cảnh kinh tế xã hội đến những cơ hội học tập và làm việc sau này của học sinh, từ đó nới rộng khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội.

Những ưu và nhược điểm của việc phân luồng có thể thấy rất rõ tại Đức. Việc phân luồng từ 10 tuổi được cho là góp phần không nhỏ vào những thành tựu cả về học thuật và phát triển công nghiệp trong nhiều thập kỷ qua. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 25 tuổi luôn duy trì ở mức thấp – chỉ khoảng 5%, trong khi con số này ở Anh là 11% và ở Mỹ là 8%.

Tuy nhiên, năm 2000, kết quả đánh giá đầu tiên của OECD về kết quả học tập của học sinh (PISA) đã trở thành một lời cảnh tỉnh cho nước Đức. Điểm số của học sinh Đức trong tất cả các môn Văn, Toán và Khoa học đều trong nhóm thấp nhất. Nghiêm trọng hơn, kết quả kiểm tra có tương quan chặt chẽ với hoàn cảnh kinh tế xã hội của học sinh, tức là học sinh từ gia đình nghèo có kết quả thấp hơn hẳn học sinh từ gia đình khá giả. Sự kiện này được gọi là “cú sốc PISA”, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trong công chúng về bất bình đẳng trong giáo dục và thúc đẩy các cải cách giáo dục mạnh mẽ.

Ở Mỹ, để ngăn chặn việc phân luồng có thể gây ra phân tầng xã hội, các chính sách giáo dục từ năm 2000 đến nay tập trung đẩy mạnh thông điệp “college for all” – “giáo dục đại học dành cho tất cả mọi người”, hướng đến việc toàn bộ học sinh không kể sắc tộc và điều kiện gia đình đều được tiếp cận đến những cơ hội giáo dục và việc làm tốt nhất có thể. Những lớp học đào tạo nghề (CTE) được đưa vào trong danh sách các khóa học tự chọn được lấy tín chỉ, và tất cả học sinh đều được khuyến khích tham gia.

Theo thống kê, có 77% học sinh trung học tại Mỹ đang theo học ít nhất một khóa CTE. Tuy nhiên, mặt trái của mô hình tự chọn này là việc gây ra sự mất cân đối trong phân phối lao động khi mà 52% công việc yêu cầu kỹ năng trên bậc trung học nhưng dưới bậc đại học, trong khi chỉ có 43% nguồn nhân lực được tiếp cận với chương trình đào tạo cần thiết để tham gia những ngành nghề này (theo National Skills Coalition).

Điều kiện cần cho thành công của việc phân luồng

Sự thành công của chính sách phân luồng tại Đức gắn liền với chất lượng và danh tiếng của chương trình giáo dục và đào tạo nghề. Trong nhiều thập kỷ, hệ thống đào tạo nghề kép (Dual VET) kết hợp giữa học ở trường nghề và thực hành tại các doanh nghiệp được coi là một lộ trình giáo dục phổ biến để gia nhập thị trường lao động.

Học sinh dành 3 đến 4 ngày trong tuần thực tập có hưởng lương tại các doanh nghiệp và thường sẽ có cam kết gắn bó với doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Chính phủ cũng xây dựng tập trung một khung chương trình và chuẩn chứng chỉ đầu ra cho từng chương trình để đảm bảo chất lượng đào tạo. Mô hình Dual VET của Đức được coi là chuẩn mực cho đào tạo nghề trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, những học sinh không theo luồng phổ thông 12 năm đang chịu thiệt thòi về nhiều mặt khi chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế và xã hội vẫn còn những định kiến cố hữu về tầm quan trọng của tấm bằng đại học (Ảnh minh họa: Tố Linh).

Tuy nhiên, bản thân hệ thống của Đức cũng đã và đang trải qua quá trình liên tục cải tiến và thay đổi để phù hợp với xu thế cũng như giảm thiểu nguy cơ gây bất bình đẳng xã hội. Số lượng người học nghề tại Đức liên tục giảm từ năm 2007. Để đảo ngược xu hướng này, nước Đức đã triển khai một loạt hỗ trợ, ví dụ:

  1. Hỗ trợ tài chính: Tùy vào điều kiện từng gia đình học sinh, chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp cho học sinh trang trải toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình học tập, bao gồm học phí, chi phí ăn uống, quần áo, nhà ở
  2. Hỗ trợ học tập và định hướng nghề nghiệp: Mỗi học sinh đều được trải nghiệm thực tế ít nhất 3 ngành nghề tại các công ty trước khi đưa ra lựa chọn nghề theo học. Với những học sinh gặp khó khăn trong học tập và có nguy cơ bỏ học cao, học sinh được tham gia học phụ đạo theo nhóm nhỏ và có cố vấn riêng hướng dẫn trong quá trình thực hành nghề tại doanh nghiệp.
  3. Linh động trong việc xây dựng lộ trình: Xây dựng hệ thống chứng chỉ đào tạo nghề tương đương với bậc cử nhân và thạc sĩ (EQF bậc 5 đến 7). Việc chuyển luồng cũng được thiết kế để trở nên dễ dàng hơn so với trước đây.

Bài học cho phân luồng tại Việt Nam

Để việc phân luồng được hiệu quả, vừa đúng với mục tiêu giáo dục, vừa đảm bảo không gia tăng khoảng cách xã hội, chúng ta cần xây dựng một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho các luồng. Cần phải nhìn nhận thực tế rằng ở Việt Nam hiện nay, những học sinh không theo luồng phổ thông 12 năm đang chịu thiệt thòi về nhiều mặt khi chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế và xã hội vẫn còn những định kiến cố hữu về tầm quan trọng của tấm bằng đại học.

Từ câu chuyện của nước Đức, có thể thấy việc phân luồng để triển khai thành công sẽ cần đầu tư đồng bộ về nhiều mặt. Trong đó, điều kiện tiên quyết để việc phân luồng thiết thực, đúng ý nghĩa của nó chính là việc nâng cao chất lượng của đào tạo nghề.

Cần đặc biệt chú ý đến những quyền lợi sát sườn của người học, ví dụ như hỗ trợ chi phí, cơ hội thực tập có hưởng lương và cam kết đầu ra cho những học viên xứng đáng. Nếu chất lượng đào tạo nghề còn chưa đảm bảo như hiện nay, việc phân luồng sẽ mang lại thiệt thòi rất lớn cho những học sinh ở nhóm dưới và cũng không mang lại lợi ích phát triển kinh tế xã hội như mong muốn.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng khó có thể lựa chọn hoàn toàn theo phương pháp giảng dạy phân hóa như Mỹ vì nước Mỹ đã sang giai đoạn phổ cập giáo dục đại học với gần 80% thanh niên 18-19 tuổi đang theo học đại học, trong khi đó Việt Nam cần thực dụng hơn với tỷ lệ vào đại học hiện nay mới chưa đến 40%.

Về mặt xã hội, việc phân luồng giúp đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (Ảnh minh họa: Tố Linh).

Để có được hiệu quả tốt nhất, Việt Nam có thể lựa chọn giải pháp hỗn hợp giữa hai cách tiếp cận. Theo đó, một phần người học tiếp tục được phân luồng như hiện nay vào các hệ thống trường nghề do nhà nước đầu tư.

Các học sinh này vẫn đầy đủ khả năng chuyển sang học ở luồng khác nếu có năng lực và quyết tâm. Bên cạnh đó, phân hóa học sinh ở cấp THPT với các môn lựa chọn, các môn nghề để giúp cho người học được khám phá bản thân tốt hơn. Như vậy các học sinh sẽ được bình đẳng hơn về mặt quyền lợi và phát triển cá nhân.

Hành động cho phân hóa giáo dục

Qua hai mô hình phân hóa, phân luồng học sinh trái ngược nhau của Đức và Mỹ cho thấy việc phân hóa sẽ không thể có giải pháp toàn vẹn, mà chỉ có những giải pháp phù hợp với văn hóa và mục tiêu giáo dục quốc gia. Với Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên của việc phân hóa, phân luồng người học thì lựa chọn một giải pháp hỗn hợp là một cách thức đi phù hợp với điều kiện hiện tại.

Thực tế là cách phân luồng và cải cách chương trình giáo dục quốc gia hiện nay cũng đang thể hiện đúng định hướng này khi có sự kết hợp của cả phần phân luồng dạy nghề và phân hóa tự chọn, đưa các kiến thức đào tạo nghề đến với cấp THPT. Đây là hướng đi đúng, tuy nhiên cần giải pháp triển khai cụ thể, đi vào thực chất và bám sát với quyền lợi người học hơn để có được sự đồng thuận của các bên liên quan như các nhà giáo, phụ huynh, học sinh và doanh nghiệp.

\ Lương Hiền Trang – Th.S Giáo dục ĐH Harvard – Hệ thống giáo dục Alpha School
\ Đàm Quang Minh – Tổng giám đốc Khối phổ thông Tập đoàn giáo dục EQuest

Bài viết gốc: Dân trí

TIN TỨC KHÁC