Kể từ khi cơ sở giáo dục đại học (GD ĐH) ngoài công lập (NCL) đầu tiên được thành lập vào năm 1988, khu vực GDĐH NCL trước kia và tư thục hiện nay đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Bài viết này nhằm đánh giá thực trạng hệ thống GD ĐH tư thục tại Việt Nam, phân tích các tác nhân tác động đến sự phát triển cũng như đề xuất một số định hướng chính sách đối với khu GD ĐH này tại Việt Nam.
Khuôn khổ pháp lí
Kể từ khi Trung tâm Giáo dục đại học dân lập Thăng Long (tiền thân của Trường Đại học Thăng Long hiện nay) được thành lập, đã có nhiều văn bản chính sách được ban hành quy định, điều chỉnh về GDĐH tư thục. Bảng 1 dưới đây tổng kết các quy định pháp lí chính. Văn bản pháp lí đầu tiên được ban hành là Quyết định 240-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 1993 về quy chế đại học tư thục. Mặc dù vậy, quy định này đã không được triển khai trong thực tế và nhanh chóng có một quy định khác được ra đời có hiệu lực hơn, đó là Quyết định 196/TCCB của Bộ GD&ĐT về quy chế tạm thời trường đại học dân lập. Kéo theo quy chế tạm thời này, tư cách pháp nhân của các trường đại học tại thời kì này chính thức được xác lập là “dân lập” (không có sở hữu tư nhân), chứ không phải “tư thục” (sở hữu tư nhân). Cũng trong năm 1994, một quy định quan trọng khác cũng được ban hành là quyết định 04/TCCB của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tạm thời trường đại học bán công, ra đời mô hình trường đại học nửa công lập – nửa ngoài công lập.
Đến năm 2005, sau 11 năm thực hiện, mô hình trường đại học dân lập và bán công kết thúc sứ mệnh lịch sử bằng việc Thủ tướng ban hành quy định số 14/2005/QĐ-TTg về quy chế tổ chức và hoạt động trường đại học tư thục. Kéo theo quy định này, các trường đại học dân lập được hướng dẫn chuyển đổi mô hình thành trường đại học tư thục; còn các trường đại học bán công được hướng dẫn hoặc chuyển đổi mô hình thành trường đại học tư thục, hoặc trở thành trường đại học công lập.
Năm 2012 đánh dấu một mốc khác đối với sự phát triển trường đại học tư thục, đó là việc Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học, theo đó, mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận ra đời, bên cạnh trường đại học tư thục “thông thường” (có thể có lợi nhuận).
Cùng với việc cho phép ra đời mô hình trường ĐH NCL hoặc tư thục, tại Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản và toàn diện GD ĐH, Chính phủ cũng đã đưa ra chỉ tiêu 40% quy mô sinh viên ĐH vào năm 2020.
Quy mô
Trải qua 35 năm kể từ khi trường đại học ngoài công lập ra đời năm 1988, khu vực GDĐH ngoài công lập hoặc tư thục đã có nhiều bước phát triển khác nhau về quy mô, thể hiện qua số lượng trường đại học (NCL và tư thục), số lượng sinh viên và tỉ lệ trường và sinh viên (NCL và tư thục) trên tổng số sinh viên cả nước. Bảng 2 tổng kết kết quả theo các thông số kể trên qua một số mốc. Có thể chia các mốc phát triển thành 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1 (1987-1997): Giai đoạn này này có thể gọi là mở đầu. Từ chỗ không có trường ĐH NCL hoặc tư thục nào năm 1987, cho đến cơ sở GD ĐH NCL đầu tiên được thành lập (năm 1988); rồi đến năm 1994 khi khung pháp lí đầu tiên có hiệu lực (Quyết định 196/TCCB) và đến năm 1997 khi Nghị quyết 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa do Chính phủ ban hành. Đến cuối giai đoạn này (1997), đã có tổng cộng 15 trường ĐH NCL được thành lập, chiếm tỉ lệ 24.19% số trường ĐH của cả nước.
Giai đoạn 2 (1997-2007): Giai đoạn này có thể xem là giai đoạn phát triển bùng nổ của GD ĐH NCL/tư thục.Sau khi Nghị quyết 90-CP về xã hội hóa được thông qua, số lượng trường ĐH NCL liên tiếp được mở mới. Đồng thời Quyết định 14/2005 xác định tư cách pháp nhân của trường ĐH tư và thừa nhận sở hữu tư nhân đối với trường ĐH, điều này làm số lượng trường ĐH tư thục được thành lập tiếp tục tăng, đạt đỉnh về tỉ lệ trường ĐH tư thục/tổng số trường là 29.33% năm 2007.
Giai đoạn 3 (2007-2020): Giai đoạn này tiếp tục đà tăng trưởng của giai đoạn trước.Số lượng trường ĐH tư thục được mở mới không tăng nhanh như giai đoạn 10 năm trước đó nhưng quy mô tuyển sinh đã lên tới 232,367 sinh viên vào năm 2015, rồi 313,479 sinh viên vào năm 2020; chiếm tỉ lệ 13.25% và 18.74% tổng số SV cả nước tương ứng. Tuy vậy nếu so với mục tiêu 40% SV học tại trường ĐH NCL năm 2005 thì rõ ràng kết quả đạt được vẫn ở khoảng cách khá xa.
Khi nhắc đến quy mô, nhất là tỉ lệ % sinh viên trường ĐH NCL/tư thục so với tổng số sinh viên cả nước. Việc so sánh với một số nước trong khu vực là điều cần thiết, giúp chúng ta định vị được vị trí của Việt Nam so với thế giới. Nội dung này được trình bày tại bảng 3. Từ bảng 3 có thể thấy, cả tỉ lệ % cơ sở GD ĐH tư thục lẫn % sinh viên tư thục của Việt Nam tương đồng với Trung Quốc, là nước có cùng mô hình GD ĐH và khoa học trước đây (mô hình Liên Xô) và thấp hơn khá xa so với 1 số nước như Indonesia, Malaysia, Philippines.
Chất lượng
Về mặt truyền thống, trường ĐH NCL/tư thục được xem là các trường “hạng 2”. Hiện tượng này phổ biến trên toàn thế giới và cũng đúng với Việt Nam trong giai đoạn đầu. Trong suốt khoảng 2 thập kỷ 1990 và 2000, về cơ bản các trường ĐH NCL và tư thục tại Việt Nam được xem là các trường “chiếu dưới”, chỉ tuyển được sinh viên có điểm đầu vào thấp, chất lượng giảng viên thấp (tỉ lệ giảng viên là TS, GS, PGS thấp, tỉ lệ SV/GV cao, số lượng công bố khoa học thấp). Kể từ đầu những năm 2010, một xu hướng mới đã diễn ra với khu vực GD ĐH tư thục, đó là sự vươn lên mạnh mẽ về chất lượng của một số trường ĐH tư theo các khía cạnh khác nhau (nghiên cứu, giảng dạy, kiểm định chất lượng). Đây là xu hướng phù hợp với thế giới, đã được tổng kết thành xu hướng hình thành các trường đại học tư “bán tinh hoa” (semi elite) có chất lượng tốt, phần nào đó cạnh tranh với các trường đại học công có truyền thống hơn, có đầu vào sinh viên tốt hơn, có chất lượng giảng viên tốt hơn, có nhiều nguồn lực đầu tư từ nhà nước hơn (Tamrat, 2020). Bảng 4 mô tả một số trường hợp điển hình về các trường ĐH tư thục của Việt Nam có thành tích nổi bật, không còn bị nhìn nhận là trường “hạng 2”, như Trường Đại học FPT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Phenikaa.
Các tác nhân tác động
Từ các phân tích trên có thể thấy, trải qua 35 năm phát triển, khu vực GD ĐH NCL/tư thục tại Việt Nam đã trở thành 1 bộ phận không thể tách rời khỏi hệ thống GD ĐH của cả nước. Mặc dù vậy cả về quy mô lẫn chất lượng, GD ĐH NCL/tư thục ở nước ta vẫn ở vị trí khiêm tốn khi so với dư địa, tiềm lực, nhu cầu xã hội cũng như đối sánh với khu vực. Dưới đây, chúng tôi chỉ ra 3 nhóm tác nhân chính dẫn đến việc này
Quy định thành lập cơ sở GD ĐH tư thục
Quy định thành lập cơ sở GD ĐH NCL/tư thục nhìn chung vẫn còn bất hợp lí, phức tạp. Bất hợp lí đầu tiên là quy định tài chính để thành lập 1 trường ĐH tư thục của Việt Nam hiện nay là khá cao (1000 tỉ VNĐ, tương đương khoảng 43 triệu USD). Con số quá cao này đã dẫn đến 1 thực trạng là gần đây nhiều nhà đầu tư trong GD ĐH sẽ có xu hướng muốn mua lại các trường ĐH tư đã được thành lập (với giá nhỏ hơn 1000 tỉ VND) thay vì thành lập mới. Một số vụ mua lại nổi bật có thể kể đến như Trường Đại học Thành Tây (nay là Trường Đại học Phenikaa) do Vicostone mua lại năm 2017, Trường Đại học Hoa Sen do Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua lại năm 2017, Trường Đại học Phú Xuân do Tổ chức Giáo dục Equest mua lại năm 2018 ….
Bất cập thứ 2 là về diện tích trụ sở chính tối thiểu 5ha. Đây là nội dung gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi quỹ đất cho GD ĐH tại các địa phương ngày càng thu nhỏ. Nhiều dự án đầu tư trường đại học tư thục mới, kể cả trong nước lẫn có yếu tố nước ngoài bị vướng quy định này cũng như quy định tài chính nên đã không thể triển khai
Đầu tư nhà nước cho GD ĐH tư thục
Hiện nay, các trường ĐH tư thục có rất ít cơ hội nhận đầu tư hoặc các hỗ trợ tài chính từ Nhà nước. Theo tổng kết của chúng tôi, hiện chỉ có 2 nguồn hỗ trợ trực tiếp và 2 nguồn hỗ trợ gián tiếp của nhà nước với trường ĐH tư thục, cụ thể như sau: (1) Hỗ trợ trực tiếp: – Một số đề tài nghiên cứu trong khuôn khổ Quỹ NAFOSTED; – Học bổng cho giảng viên đi học TS ở nước ngoài theo Đề án 911 trước kia và 89 hiện nay; (2) Hỗ trợ gián tiếp: – Ưu đãi thuế, thuê đất; – Tín dụng sinh viên.
Những hỗ trợ này là khá khiêm tốn khi so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia … nơi chính phủ có nhiều khoản đầu tư đáng kể, thậm chí cả ngân sách theo dự án cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, cấp học bổng…
Chính sách “xã hội hóa” GD ĐH công lập
Một yếu tố nữa có thể là nguyên nhân khiến GD ĐH tư thục ở Việt Nam chưa phát triển đúng như kì vọng đó là việc chính sách “xã hội hóa” GD ĐH công lập ở Việt Nam trong những năm gần đây, thể hiện qua việc: – Cho phép các cơ sở GD ĐH công lập mở các chương trình đào tạo thu học phí cao; – Chính sách tự chủ đại học theo NQ 77.
Tại nhiều nước trên thế giới, cơ sở GD ĐH công lập thường thu học phí thấp, không có chương trình tự phí hoàn toàn và cũng không có trường ĐH công lập nào phải tự chủ chi thường xuyên (và thậm chí là cả đầu tư) như ở Việt Nam. Ở một phương diện nào đó, các chính sách này bản chất là việc cho phép các trường đại học công lập được “tư nhân hóa” một phần (Hoàng Lan, 2019). Đây cũng có thể xem là 1 trong các nguyên nhân hạn chế sự phát triển của GD ĐH tư thục tại Việt Nam.
Khuyến nghị
Hiện nay, Chính phủ đang dự thảo một bản quy hoạch mới về hệ thống các trường ĐH trong cả nước. Đây cũng là cơ hội tốt để nhìn nhận lại vai trò và vị trí của GD ĐH tư thục trong chiến lược chung về phát triển GD ĐH Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy trong chiến lược phát triển chung hệ thống GD ĐH của bất kì quốc gia nào, không thể bỏ qua vai trò của GD ĐH tư thục. Trong bối cảnh đó, nhóm tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị sau đây,nhằm Tái định vị vai trò của giáo dục đại học trong chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần sớm đưa lại mục tiêu về phát triển GD ĐH (theo % quy mô tuyển sinh và % số cơ sở GD ĐH) tương tự như mục tiêu đã được đề ra ở Nghị quyết 14. Các mục tiêu cụ thể được xác lập ở cấp quốc gia sẽ là một tín hiệu tốt để các nhà đầu tư, cả trong nước và quốc tế yên tâm đầu tư vào GD ĐH Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thứ hai, cần cân nhắc lại các quy định về điều kiện thành lập cơ sở GD ĐH mới, nhất là quy định về vốn đầu tư cũng như quy định về diện tích đất. Có thể không nhất thiết phải hạ yêu cầu, tuy vậy, quy định mới có thể cho phép các dự án đầu tư thành nhiều giai đoạn, theo đó, trong giai đoạn đầu khi trường đại học mới đi vào hoạt động, mức đầu tư và diện tích đất có thể ở mức thấp hơn mức yêu cầu. Các chỉ số này sẽ cần được tăng dần qua thời gian cùng với sự phát triển của trường đại học và bắt buộc phải đạt mức yêu cầu sau một khoảng thời gian nhất định.
Thứ ba, các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp đối với cơ sở GD ĐH tư thục cần được mở rộng và cụ thể hơn. Ví dụ, một quỹ học bổng tầm quốc gia có thể được thành lập để cho sinh viên xuất sắc cả ở trường công lẫn trường tư có thể xin giúp trang trải chi phí học tập và ăn ở trong thời gian học đại học. Tương tự, có thể mở rộng chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế thu nhập cá nhân đối với giảng viên, cán bộ tại cơ sở GD ĐH tại các khu vực được quy hoạch (ví dụ khu công nghệ cao, làng đại học…).
Thứ tư, cần nghiên cứu và mở rộng hơn nữa các chính sách hợp tác công tư trong GD ĐH giúp khu vực GD ĐH công lập và tư thục có thể kết hợp chặt chẽ hơn nữa. Chúng ta cần nhận thức rằng, 2 khu vực này không phải là các đối thủ cạnh tranh mà là 2 phần không thể thiếu của một hệ thống GD ĐH chung, cùng hợp tác, phát triển đóng góp cho đất nước và phụng sự xã hội. Đồng thời, chúng ta cũng có thể nghiên cứu và cho phép chuyển đổi mô hình một số cơ sở GĐ ĐH công lập kém hiệu quả trở thành cơ sở GD ĐH tư thục.
Phạm Hiệp – Tổ chức Giáo dục Equest; Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức
Đàm Quang Minh – Tổ chức Giáo dục Equest
Tài liệu tham khảo
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2009). Báo cáo số 760/BC-BGDĐT: Sự phát triển của hệ thống Giáo dục Đại học và các giải pháp đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo. (n.d.). Thống kê giáo dục đại học. MOET.
Bộ Giáo dục Trung Quốc. (n.d.). Statistical report on China’s educational achievements in 2022 [Báo cáo thống kê thành tích giáo dục Trung Quốc năm 2022]. 2023.
Hoang, L. (2019). Twin Privatization in Vietnam Higher Education: The Emergence of Private Higher Education and Partial Privatization of Public Universities. Higher Education Policy, 32(3), 359–380.
Lim, M. A., Anabo, I. F., Phan, A. N. Q., Elepano, M. A., & Kuntamarat, G. (2022). The State of Higher Education in Southeast Asia. The ASEAN Secretariat.
Tamrat, W. (2020). The Disjuncture Between Private Higher Education and Internationalisation. International Journal of African Higher Education, 7(2).
Welch, A. R. (2021). Private higher education in East and Southeast Asia: growth, challenges, implications. UNESCO Digital Library.
Bài viết gốc: Tạp chí Giáo dục