Vai trò của công cụ quan sát lớp học eleot đã được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu và thể hiện rõ nét ở thực tiễn tại nhiều trường tham gia kiểm định Cognia. Vậy các tiêu chí của công cụ này được ứng dụng vào thực tế, trong bối cảnh lớp học ở Việt Nam như thế nào? Hãy lắng nghe Hệ thống giáo dục Alpha (“Alpha School”) – đơn vị đã kiểm định Cognia chia sẻ.
Ý NGHĨA CÔNG CỤ QUAN SÁT LỚP HỌC VÀ ỨNG DỤNG THỰC TIỄN TẠI ALPHA SCHOOL
Kể từ khi được công nhận kiểm định Cognia, Hệ thống giáo dục Alpha đã không ngừng nỗ lực cải tiến để ngày càng chuẩn hóa toàn bộ các hoạt động trong hệ thống, trong đó có việc thực hiện chặt chẽ các tiêu chuẩn đánh giá lớp học bằng công cụ quan sát lớp học theo chuẩn Cognia. Công cụ quan sát lớp học này định hướng cho giáo viên tạo ra môi trường học tập bình đẳng, phát triển, phù hợp cho tất cả học sinh.
Dựa trên nền tảng là công cụ quan sát học eleot của Cognia, khối Phổ thông Tập đoàn Giáo dục EQuest đã tiến hành phát triển công cụ “Đánh giá môi trường học tập hiệu quả”. Điểm đặc biệt của công cụ quan sát này với các công cụ quan sát lớp học truyền thống đang được sử dụng tại đại đa số các trường học ở Việt Nam là tập trung vào quan sát hiệu quả của hoạt động dạy học trên đối tượng là học sinh chứ không quan sát giáo viên.
Công cụ quan sát lớp học được đánh giá trên 6 lĩnh vực với 26 tiêu chí đánh giá rất chi tiết. Kèm theo công cụ quan sát lớp học là hướng dẫn quan sát và đánh giá lớp học với những định hướng rất chi tiết giúp cho giáo viên có những gợi ý rất cụ thể về cách thức tổ chức lớp học sao cho đạt được các tiêu chuẩn.
Ví dụ dưới đây cho thấy những định hướng rất chi tiết cho nhóm năng lực “Tạo ra môi trường học tập bình đẳng và phân hoá”. Năng lực này bao gồm 4 tiêu chí nhỏ và cạnh mỗi tiêu chí là gợi ý những hoạt động GV có thể thực hiện nếu muốn đạt được tiêu chí đó.
- HS được tham gia vào các cơ hội học tập khác biệt hoặc/và các hoạt động đáp ứng nhu cầu của bản thân: Làm việc theo nhóm nhỏ, cả nhóm, hoặc cá nhân với sự khác biệt về nhiệm vụ học tập; Hoàn thành các hoạt động / trải nghiệm đa dạng tùy thuộc vào năng lực, nhu cầu hoặc sở thích của học sinh.
- HS có cơ hội hoặc được thúc đẩy tham gia vào tất cả các hoạt động học tập: Tham gia vào các hoạt động vừa sức; Được giáo viên giúp đỡ hoặc tự HS hướng dẫn nhau tham gia vào các hoạt động học tập.
- HS có cơ hội được thể hiện khả năng, năng khiếu của bản thân: Tương tác với các học sinh có năng lực học tập cao/thấp hơn; Giúp đỡ lẫn nhau trong các nhóm không đồng nhất về năng lực hoặc sở thích.
- HS được đối xử tôn trọng, công bằng, rõ ràng và nhất quán: Tự sửa chữa, thể hiện sự chấp nhận các quy tắc và hậu quả; Thừa nhận các quy tắc đã được áp dụng trong lớp học đã được thiết lập.
Để xây dựng bài giảng theo chuẩn Cognia, Hội đồng giáo dục Alpha đã thực hiện đào tạo cho giáo viên để mỗi giáo viên đều hiểu rõ các tiêu chí trong phiếu quan sát lớp học. Mong muốn của Ban điều hành, Ban giám hiệu các cấp thuộc Hệ thống giáo dục Alpha là thông qua việc áp dụng công cụ quan sát lớp học, giáo viên sẽ dần hình thành văn hoá học tập “lấy người học làm trung tâm” một cách thực chất và hình thành thói quen thường xuyên cải tiến hoạt động dạy học dựa trên các bằng chứng cụ thể.
NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ CÁCH VƯỢT QUA CHÚNG
Khi triển khai việc quan sát lớp học bằng công cụ mới, giáo viên gặp một số khó khăn như chưa quen với việc quan sát nhiều học sinh trong cùng một thời điểm với 26 tiêu chí cần đánh giá hay như cách sử dụng thang đo mới để cho điểm mỗi tiêu chí. Để khắc phục, không còn cách nào khác là giáo viên cần phải thực hiện quan sát nhiều lần và cùng thảo luận trong các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm thống nhất quan điểm và cách đánh giá.
Cô Trần Bằng Cư – GV dạy Văn cấp Trung Học Hệ thống giáo dục Alpha, cho biết: “Do số lượng tiêu chí nhiều và rất khác với các tiêu chí đánh giá lớp học cũ nên người quan sát cần hiểu rõ về ý nghĩa của từng tiêu chí để có sự đánh giá đúng, sát nhất. Để quen với việc sử dụng phiếu quan sát, mình đã tham gia khóa học, xem các video mẫu, cách họ đánh giá một giờ dạy; đọc đi đọc lại để nhớ các tiêu chí. Khi áp dụng vào thực tế dự giờ quan sát lớp học, chỉ cần dự 2-3 giờ là người quan sát đã có thể quen với việc sử dụng phiếu quan sát. Bản thân cảm thấy đây là công cụ rất hữu ích cho các giáo viên, giúp nâng cao chất lượng giờ dạy, phát huy tối đa năng lực của học sinh.”
TS.Trần Thị Thanh Thủy – Quyền Tổng hiệu trưởng HTGD Alpha đánh giá công cụ quan sát lớp học dựa trên công cụ quan sát eleot của Cognia đem lại nhiều gia trị cho cả người học và người dạy, trong đó học sinh là người nhận được nhiều giá trị hơn cả vì các tiêu chí quan sát đều hướng vào người học với mục đích cải thiện môi trường học tập cho người học, từ đó tạo ra cơ hội học tập bình đẳng, phân hoá – một môi trường thực lấy học sinh làm trung tâm.
TS. Trần Thị Thanh Thủy cũng mong muốn tất cả các tiêu chí được kiểm định ở năm đầu tiên cần được Phòng kiểm định và Đánh giá chất lượng của Tập đoàn theo dõi, đánh giá để các trường tiếp tục hình thành văn hoá làm việc dựa trên các tiêu chuẩn Cognia.