Hiến tặng cho giáo dục đại học ở Việt Nam gặp khó, chuyên gia kiến nghị giải pháp

Hiến tặng là một trong những nguồn thu góp phần thúc đẩy sự phát triển của các trường đại học, tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động này còn hạn chế.

Ở Australia các khoản hiến tặng không phải chịu thuế

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Australia; Giáo sư Y khoa (kiêm nhiệm) Đại học New South Wales; đồng thời là Giám đốc Viện Nghiên cứu Tâm Anh đã có những chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến văn hóa hiến tặng cho các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Ở Australia, hoạt động hiến tặng không bị tính thuế. Do đó, các nhà hảo tâm và quỹ từ thiện hiến tặng khá nhiều tiền cho bệnh viện, viện nghiên cứu khoa học và trường đại học. Có những người vì không có con nên để lại di chúc rằng khi họ qua đời, các tài sản và tiền bạc sẽ tặng cho một viện nghiên cứu hoặc đại học. Ngoài các cá nhân hảo tâm, còn có nhiều quỹ từ thiện cũng hiến tặng tài chính cho các đại học và viện nghiên cứu. Bản thân tôi cũng được quỹ từ thiện của một triệu phú tài trợ cho một số dự án nghiên cứu khoa học suốt 10 năm liền.

Mỗi năm các đại học Úc nhận khoảng 500 triệu AUD (khoảng 10 nghìn tỷ đồng) từ các nhà hảo tâm và quỹ từ thiện. Đó là một con số khá đáng kể khi so với số tiền 2,5 tỷ AUD (khoảng 60 nghìn tỷ đồng) mà Chính phủ Australia tài trợ cho các trường đại học”.

Ngoài ra, có thể thấy, các trường đại học lớn trên thế giới đều có cách thức quản trị nguồn hiến tặng một cách bài bản.

Về khía cạnh này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Khoảng 54% tiền từ các quỹ từ thiện là cho các dự án nghiên cứu khoa học. Phần lớn còn lại là học bổng cho sinh viên (21%), xây dựng cơ sở vật chất (16%) và các hạng mục khác. Các đại học quản lý tiền được hiến tặng như những tài trợ.

Bên cạnh đó, các quỹ từ thiện thường có những chương trình tài trợ cho lĩnh vực mà họ quan tâm. Chẳng hạn, có quỹ quan tâm đến các bệnh mãn tính (như quỹ dành cho nghiên cứu ung thư, loãng xương, thoái hoá khớp), có quỹ chỉ tài trợ cho các nghiên cứu về nghệ thuật, nhưng cũng có quỹ chỉ tài trợ cho lĩnh vực kỹ thuật”.

Nhìn nhận hoạt động hiến tặng ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, thời gian qua đã có những quỹ tư nhân cho nghiên cứu khoa học song vẫn còn hạn chế. Theo đó, các nhà hảo tâm, dù là từ thiện, xem tài trợ cho khoa học là một sự đầu tư xã hội. Họ đầu tư để nuôi dưỡng và nâng cao năng lực khoa học cho quốc gia và xem đó là một nghĩa vụ công dân tốt. Do đó, họ phải thấy được tiềm năng khoa học và năng lực của nhà khoa học mới tài trợ. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, cần xây dựng và ban hành hệ thống các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội về hoạt động hiến tặng trong giáo dục.

Theo Giáo sư Tuấn, về mặt lý thuyết, các trường đại học ở Việt Nam cũng có những nỗ lực để năng động đa dạng hóa nguồn thu nhưng thực tế chưa khả thi. Bởi vì hầu hết các đơn vị hiện xem hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ là thứ yếu mà chủ yếu tập trung vào mục tiêu đào tạo nhân lực. Nếu có những giảng viên làm nghiên cứu khoa học thì điều kiện làm việc cũng rất khó khăn. Do đó, những nghiên cứu như thế khó chuyển giao và đem lại thu nhập.

Mặt khác, đa số nghiên cứu khoa học từ các trường đại học chưa chứng minh được giá trị thực tế, chưa hướng đến giải quyết vấn đề lớn của xã hội nên chưa đủ sức thuyết phục các nhà hảo tâm tài trợ cho hoạt động giáo dục. Ở Việt Nam, văn hóa hiến tặng cho các trường chưa được phổ biến và chưa được khuyến khích. Ở một số quốc gia, khi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quyên góp, tài trợ cho các đại học sẽ được miễn trừ thuế với khoản quyên góp đó.

Trước băn khoăn của phóng viên: “Ở Australia có các quy định như thế nào trong hoạt động hiến tặng cho giáo dục đại học”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Các nhà hảo tâm lập ra một quỹ từ thiện, có hội đồng quản trị giống như một doanh nghiệp phi lợi nhuận. Các quỹ này đầu tư vào thị trường chứng khoán để duy trì hoạt động lâu dài.

Sau đó, họ lập ra các chương trình tài trợ với những tiêu chí cụ thể, rồi công bố các chương trình rộng rãi và mời các đại học hoặc nhà khoa học nộp đơn. Đơn sẽ được duyệt xét bởi một hội đồng độc lập.

Có nhiều người lập di chúc tặng tài sản và hiện vật cho các tổ chức khoa học và đại học cụ thể. Đối với các quỹ mới, chưa được biết đến rộng rãi, thì các đại học rất cẩn thận, vì họ không muốn liên lụy đến những trường hợp rửa tiền hay tài chính không minh bạch”.

Cần có chính sách, hướng dẫn cụ thể để thúc đẩy văn hóa hiến tặng

Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục EQuest cho biết, trong hoạt động giáo dục, hiến tặng có thể hiểu là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trao tặng, chuyển một phần tài sản của mình sang cho đơn vị, tổ chức được hiến tặng nhằm phát triển giáo dục. Tài sản ở đây có thể là tài chính, hiện vật, cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Tiến sĩ Minh nhận định, hiến tặng cho giáo dục đại học ở Việt Nam chưa phát triển bằng một số nước trên thế giới. “Hoạt động hiến tặng ở một số trường đại học trên thế giới đã trở thành văn hóa mà các bên cùng có lợi. Đặc biệt, phía hiến tặng không phải chịu thuế và thậm chí còn có những ưu đãi thuế riêng. Khi chính sách khích lệ, tạo động lực thì việc hiến tặng sẽ bớt đi các khâu trung gian, đạt hiệu quả hơn vì các trường đại học cần được hỗ trợ sẽ nhận trực tiếp từ các nguồn hiến tặng. Có thể thấy, các trường đại học ở Mỹ có nguồn thu rất lớn từ hoạt động hiến tặng”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho hay.

Tiến sĩ Minh dẫn chứng, tại Khoản 2, Điều 98 Luật Giáo dục 2019 quy định “Các khoản đóng góp, tài trợ cho giáo dục của tổ chức, cá nhân được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế”. Bên cạnh đó, tại Khoản 4, Điều 12, Luật 34/2018/QH14 nêu rõ “Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên”.

Mặc dù đã có quy định nêu trên nhưng hoạt động hiến tặng ở nước ta vẫn còn nhiều lúng túng, chưa tạo được động lực vì thiếu các chính sách, hướng dẫn cụ thể.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh chia sẻ: “Có nhiều ý kiến cho rằng, về hành lang pháp lý cho việc hiến tặng ở Việt Nam chưa hiệu quả, cần phải đầu tư thực sự để thúc đẩy văn hóa hiến tặng cho giáo dục phát triển mạnh mẽ. Cơ quan quản lý nên có thông tư hướng dẫn, “chỉ đường” cho hoạt động này để bỏ bớt được khâu trung gian, quản trị trung gian.

Còn các nguồn hiến tặng từ nước ngoài cần xác nhận nguồn gốc tài chính là điều rất xác đáng để có thể tiến tới sự minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, việc này cũng cần có một hướng dẫn cụ thể rằng để xác minh nguồn hiến tặng minh bạch thì cần có những tiêu chí, quy định như thế nào.

Như vậy, đối với hiến tặng, đầu tiên phải làm sao để việc này được thúc đẩy, trở nên thuận lợi và dễ dàng mặt pháp lý. Một khi đã xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để tạo hiệu quả và khuyến khích văn hóa hiến tặng, từ đó sẽ tạo ra được hiệu quả cho các hoạt động giáo dục và đào tạo. Sau đó mới bàn đến các yếu tố khác như sự năng động của các trường, các nguồn kêu gọi, nguồn hỗ trợ”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng cho rằng, khoản hiến tặng, tài trợ cho các trường đại học nên được khấu trừ thuế, có các ưu đãi thuế để tạo động lực cho hoạt động này phát triển, thu hút nhà hảo tâm.

Ở khía cạnh khác, Tiến sĩ Minh nhìn nhận, khi các trường đại học chuyển sang tự chủ không được nhận khoản chi thường xuyên từ nhà nước nữa thì các chi phí vận hành phát triển rất lớn, không có các khoản hiến tặng, áp lực có thể dồn vào học phí. Lúc này, người chịu thiệt thòi lại là sinh viên, học viên. Bởi thế, nếu thu hút được nguồn hiến tặng cũng như có các chính sách cởi mở hơn với hoạt động này không chỉ giúp trường có thêm nguồn lực mà cũng có lợi cho người học. Hiến tặng từ cá nhân, tổ chức doanh nghiệp giúp nhà trường cân bằng thu chi và đa dạng nguồn thu trong giáo dục.

Mặt khác, phía trường đại học cũng cần có các chính sách liên quan đến đảm bảo quyền lợi cho người hiến tặng. Đầu tiên là quyền lợi minh bạch về thông tin, nghĩa là số tiền họ hiến tặng sẽ được sử dụng với mục tiêu cụ thể như thế nào, thậm chí trong quá trình đó, họ có được tham gia hay không. Ngoài ra, các trường đại học cũng nên chủ động xây dựng các chính sách, kế hoạch để kêu gọi hoạt động hiến tặng.

Một cán bộ hiện đang công tác tại một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên rằng, nhiều khi có doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài muốn hiến tặng nhưng trường đại học cũng lưỡng lự vì “vướng các thủ tục rắc rối”. Theo vị này, đơn vị từng được một tổ chức nước ngoài hiến tặng máy móc, phòng thí nghiệm, nhưng để có thể nhận và vận hành thì phải trải qua quá trình nhiêu khê.

Bài viết gốc tại: Báo Giáo dục Việt Nam

TIN TỨC KHÁC