Phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài tại EQuest: Điểm số không phải tất cả!

Với tư tưởng cởi mở và hiện đại, các chuyên gia từ EQuest luôn tìm cách đổi mới phương pháp đào tạo, nuôi dưỡng những tài năng bằng cách kế thừa những giá trị truyền thống, nhưng theo một hướng đi phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của xã hội và quốc tế. 

Dưới đây là những chia sẻ của thầy Trần Nam Dũng (Cố vấn giáo dục khối K12 Tập đoàn Giáo dục EQuest) về việc nuôi dưỡng tài năng tại các trường học của EQuest.

Phóng viên: Để tìm kiếm và phát hiện ra những tài năng, có lẽ phải bắt đầu từ đầu vào. Vậy ngay từ việc tuyển sinh, các thầy cô và chuyên gia tại EQuest đã có những quan điểm và lưu ý gì? Và đâu là tiêu chí được nhà trường đánh giá cao trong mỗi đợt tuyển sinh, thưa thầy? 

Thầy Trần Nam Dũng: Để phát hiện các tài năng, việc tuyển sinh đầu vào tại các trường của EQuest được chúng tôi nghiên cứu và luôn cải cách không ngừng cho phù hợp với xã hội, thời đại… Trong các buổi phỏng vấn tuyển sinh, các em học sinh sẽ được chia sẻ về thành tích, về sở thích cá nhân của mình. Ngoài ra, Ban tuyển sinh sẽ có những câu hỏi liên quan đến định hướng tương lai, tại sao các em lại quyết định theo học tại trường và các em đã chuẩn bị gì cho quá trình học tập sắp tới. Những câu hỏi này sẽ giúp nhà trường chú trọng việc giao tiếp và ứng xử và có những góc nhìn toàn diện hơn cho học sinh thay vì thành tích điểm số. Để thành công lâu dài, nhà trường không chỉ nên nhìn vào điểm số hiện tại mà còn phải đánh giá được tố chất và động cơ mang tính lâu dài của từng thí sinh. 

Phóng viên: Vậy “tiềm năng” của mỗi học sinh nên được đánh giá như thế nào ạ? Vì đôi khi có những bạn có tố chất nhưng lại không thực sự nổi bật về thành tích do một vài lý do?

Thầy Trần Nam Dũng: Để đánh thức được tiềm năng của học sinh, giáo viên không thể “ươm mầm” quá ít, mà nên “gieo trồng” thật nhiều cơ hội để các em được trải nghiệm. Khi tiếp xúc đủ nhiều và sự say mê đủ lớn, những trải nghiệm cá nhân sẽ có điều kiện để trở thành tài năng của các bạn. Hơn nữa, nhà trường không cần đưa ra những tiêu chí xét tuyển quá khắt khe và mang tính phân loại sớm mà quan trọng nhất là phải thấy được sự khát vọng, niềm yêu thích học tập và sự say mê khám phá của các em. Bên cạnh đó, các em phải có khả năng tự học, tự khám phá thông qua các hoạt động tự do thay vì thụ động tiếp nhận kiến thức từ thầy cô.

Phóng viên: Vậy phải chăng, việc đào tạo nhân tài, luôn phải bắt đầu từ rất sớm, và con đường “ươm mầm tinh hoa” nên bắt đầu từ trên ghế nhà trường? 

Thầy Trần Nam Dũng: Theo tôi, chúng ta chưa nên sử dụng những từ ngữ như “nhân tài”, “tinh hoa” hay “Thần đồng” mà chỉ nên gọi các em là những học sinh có tiềm năng, là những mầm ươm tương lai bởi muốn thật sự trở thành một người tài năng, các em phải có đủ sự chín chắn về tư duy và phải trải nghiệm cuộc sống. Trước đây chúng ta hay nhắc từ “Thần đồng”, nhưng thực tế không phải cứ “Thần đồng” là trở thành “thiên tài”. Năng khiếu sẽ được bộc lộ ở từng độ tuổi khác nhau, một nhân tài có thể được phát hiện từ rất sớm nhưng cũng có trường hợp tài năng của các em sẽ được khám phá khi các em đã trưởng thành. 

Phóng viên: Việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng cho trẻ không chỉ là bài toán khó đối với nhà trường và giáo viên, mà với gia đình, bố mẹ cũng cần có những lưu tâm đặc biệt. Thầy có lời khuyên gì cho cha mẹ học sinh không ạ?

Thầy Trần Nam Dũng: Việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng cho trẻ nhỏ, không phải ngày một, ngày hai, mà nó phải là một quá trình, với sự tham gia của tất cả các bên: Nhà trường, thầy cô, gia đình. Riêng đối với gia đình, bố mẹ có thể phát hiện tài năng của con qua một số hoạt động thường ngày hoặc qua những thông tin phản hồi từ thầy cô và mọi người xung quanh. Tuy nhiên, việc phát hiện đã khó, việc nuôi dưỡng nhân tài còn đòi hỏi nhiều tâm sức hơn. Lúc này, phụ huynh cần tìm đến những trường học uy tín, những thầy cô chuyên gia ở mức độ chuyên sâu để hỗ trợ các em. Định hướng hoặc phương pháp không đúng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến tương lai của các em. 

Bố mẹ cần phải tương tác với con về chuyện học hành và luôn có những câu chuyện khuyến khích, quan tâm con để tạo ra niềm vui học tập. Bố mẹ quá o ép sẽ phản tác dụng vì khi học trong trạng thái không có sự hứng thú và thiếu đi tính tự giác, trẻ em sẽ khó tiếp thu. Cha mẹ cũng cần xác định rõ, đích đến của việc nuôi dưỡng nhân tài là thành tích hay quá trình bởi đôi khi, cha mẹ có mục tiêu tốt nhưng con cái sẽ chưa đạt được kết quả đã đề ra. Cha mẹ nên nhìn nhận rằng mục tiêu hay đích đến không phải là tất cả mà chúng ta phải nhìn vào con đường các em đi đến mục tiêu đó. Một con đường vui vẻ, đồng thuận sẽ khác với con đường “roi vọt”, áp lực, “vừa đi vừa khóc”, đến khi đạt được mục tiêu vẫn không hạnh phúc.

Phóng viên: Cụ thể hơn, tại các trường của EQuest, các thầy cô có những phương pháp hay cách thức như thế nào để đào tạo nhân tài, đặc biệt là trong môn Toán mà thầy đang phụ trách, thưa thầy?

Thầy Trần Nam Dũng: Hoạt động học tập tại các trường học thuộc tập đoàn EQuest rất đa dạng, bên cạnh những giờ học truyền thống, các em sẽ có điều kiện tham gia nhiều các hoạt động trải nghiệm. Tại các trường K12 bây giờ đang áp dụng 1 số lớp học giúp tăng cường khả năng tư duy của các em như: Lớp học đảo ngược, chương trình STEM… Những chương trình này tuy đã được áp dụng trước đây nhưng chỉ mang tính cá nhân, để phát triển chương trình ra toàn hệ thống trường học, chúng tôi vẫn trong quá trình thử nghiệm và đo đạc tính hiệu quả, từ đó đưa ra những chỉ dẫn cho giáo viên để triển khai cho tốt.

Phóng viên: Mới đây Einstein School HCMC đã ra mắt chương trình Tài năng toán STEM – chương trình hệ chuyên trong trường tư. Thầy có thể chia sẻ thêm về chương trình này? Có phải định hướng chính của chương trình là tìm ra nhân tài để tham dự những cuộc thi lớn?

Thầy Trần Nam Dũng: Nhìn chung, các bạn học sinh trường tư có những tố chất rất tốt và tiềm năng đi xa. Tuy nhiên, các trường tư hiện nay chưa có khung đào tạo chuyên sâu mà chỉ có chương trình đại trà đồng đều cho các lớp học. Với những học sinh có tiềm năng, các em sẽ thấy chương trình học đại trà quá đơn giản dẫn đến việc khi học ở các bậc cao hơn, các em sẽ thấy thiệt thòi, đáng lẽ mình có thể học nhiều hơn, học tích cực hơn để phát triển hơn tiềm năng của bản thân. Chính vì vậy, EQuest đã ra mắt chương trình chuyên trong hệ trường tư STEM để cùng 1 thời điểm, các bạn có thể học tập các chương trình chuyên sâu hơn với cường độ dày hơn, đặc biệt là các bạn học trường tư những vẫn muốn theo đuổi các chương trình chuyên sâu.

Ngoài chương trình STEM tại Einstein School HCMC, các trường hệ thống đều có chương trình riêng ở dạng chính khoá, hoặc dưới dạng các Câu lạc bộ để các em có thể trải nghiệm. Không nhất thiết chỉ những học sinh theo chương trình STEM mới được tham gia những cuộc thi về Khoa học tự nhiên và cũng không nhất thiết học sinh theo chương trình STEM phải tham gia các cuộc thi. Mục đích chung của các chương trình tại EQuest đều hướng đến rèn luyện cho các em kỹ năng học tập hiện đại: tự học, học nhóm, học theo dự án để phát triển khả năng học tập.

Lời kết: Quá trình phát hiện tiềm năng và ươm mầm tài năng ở lứa tuổi học sinh luôn là những bài toán khó yêu cầu sự phối hợp từ nhà trường và gia đình. Quá trình này yêu cầu chúng ta cần hiểu rõ cảm xúc và nắm bắt được tâm lý của con, từ đó xây dựng cho trẻ những định hướng hoặc phương pháp đúng đắn, để trẻ phát huy được tài năng trong trạng thái hạnh phúc và tự tin nhất.

Xin được cảm ơn những chia sẻ đa chiều của thầy Trần Nam Dũng – Cố vấn giáo dục khối K12 Tập đoàn Giáo dục EQuest! 

Thông tin thêm về thầy Trần Nam Dũng: Tiến sĩ toán học, Chủ tịch kỳ thi toán học AMO Việt Nam (American Mathematics Olympiad), Phó chủ tịch Hội toán học TP HCM, ủy viên BCH Hội toán học Việt Nam. Ông cũng là Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG-HCM, chuyên gia kiến tạo chương trình STEAM cho ngôi trường này. Ông cũng được biết đến là người thắp lên tình yêu tình yêu toán học với hơn 30 năm kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi toán. Ông cũng là Cố vấn chương trình Tài năng Toán – STEM Trường Albert Einstein – hệ thống trường Quốc tế Canada thuộc tập đoàn giáo dục EQuest.

Thực hiện: Phòng Truyền thông và Quan hệ công chúng.

TIN TỨC KHÁC