Cần điều chỉnh mạnh mẽ chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế về dạy ngoại ngữ

Cần có những điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách để thúc đẩy sự hợp tác này và tận dụng tối đa nguồn lực để cùng chung tay nâng chuẩn tiếng Anh tại Việt Nam.

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW có nhấn mạnh đến một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới”.

Với mục tiêu “Kiến tạo công dân toàn cầu”, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam, Tập đoàn Giáo dục EQuest đã đẩy mạnh triển khai các chương trình tích hợp liên kết với nước ngoài, đồng thời tăng cường dạy và học ngoại ngữ tại các nhà trường.

Để hiểu hơn về các giải pháp mà Tập đoàn Giáo dục EQuest đã lựa chọn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục EQuest.

ad-4nxe-o9gf-6jax38uvvm6dpthluyci9o6lh0t8iytcopsheosuakrltckllu9jh6saj3kn4rqf8rponorzfkp6rcel5qz-tnaof-oxoyw997bmuir5gazv5ckonhdtu2cx5pnfuy10ians9qqoec1jadxvz-6358.jpg
Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục EQuest.

Cần có sự đầu tư mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhìn nhận, việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cho học sinh, sinh viên theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị là cần thiết nhưng sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên, phải kể đến sự thiếu hụt giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và được đào tạo bài bản trong việc dạy tiếng Anh, dạy kiến thức bằng tiếng Anh.

Thứ hai, cơ sở vật chất và tài liệu học tập tại nhiều trường học, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, còn hạn chế, khiến giáo viên cũng thiếu đi những công cụ đắc lực để dạy học hiệu quả.

Việc thiết kế và cập nhật chương trình học tiếng Anh cũng gặp không ít khó khăn, để phù hợp với cả tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thực tế của học sinh theo từng khu vực. Trong đó, việc hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế sẽ mang đến nhiều lựa chọn và những cơ hội học tập chương trình chất lượng cao.

Tuy nhiên, chi phí để hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế rất cao, đi cùng những hạn chế về mặt pháp lý cũng là những yếu tố cản trở quá trình đổi mới. Cuối cùng, quan niệm về việc học tiếng Anh của một bộ phận phụ huynh và xã hội cũng ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy.

“Vì thế, để đạt được mục tiêu đề ra, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng môi trường học tập hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ cũng là một yếu tố quan trọng để thành công” – Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho biết thêm.

Theo Tiến sĩ Đàm Quang Minh, việc tích hợp chương trình học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, như được đề cập trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Không chỉ đơn thuần là cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ, mà còn mang lại những lợi ích toàn diện cho người học.

Thứ nhất, việc tiếp cận chương trình học chất lượng cao và phương pháp giảng dạy hiện đại sẽ giúp học sinh và sinh viên nâng cao đáng kể khả năng giao tiếp tiếng Anh, mở ra nhiều cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn trên trường quốc tế.

Thứ hai, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giúp học sinh phát triển toàn diện các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, sáng tạo và giao tiếp.

Thứ ba, việc học tiếng Anh còn là một công cụ hữu hiệu để rèn luyện trí não, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau. Cuối cùng, học sinh và sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận giáo dục quốc tế và các cơ hội nghề nghiệp toàn cầu.

Chia sẻ thêm về hành trình “Kiến tạo công dân toàn cầu”, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Tập đoàn, Tiến sĩ Đàm Quang Minh không quên khẳng định: “Hiện nay, trước nhu cầu ngày càng lớn về việc tham gia các chương trình đào tạo quốc tế cũng như được tiếp cận với nền giáo dục toàn cầu, rất nhiều đơn vị giáo dục Việt Nam nói chung, EQuest nói riêng đã liên tục ký kết hợp tác với những cơ sở giáo dục danh tiếng trên thế giới để cùng triển khai những mô hình giáo dục tiên tiến ngay tại Việt Nam.

Trong hơn 20 năm, EQuest đã mang rất nhiều chương trình đào tạo quốc tế về giảng dạy tại Việt Nam. Đơn cử, tại hệ thống giáo dục phổ thông của EQuest, các trường thành viên đã liên kết, tích hợp các chương trình nước ngoài rất đa dạng: Tú tài quốc tế (IBDP), Tú tài Mỹ (ADP), A-Levels, IGCSE…. Một số trường quốc tế đang triển khai rất hiệu quả như Trường Quốc tế Canada – CIS dạy tú tài Canada (SSD) và tú tài quốc tế (IBDP), Sedbergh Vietnam-BCIS dạy chương trình Cambridge nhận bằng IGCSE và A-Levels, St. Nicholas dạy chương trình Tú tài Mỹ, Einstein HCMC dạy chương trình Tú tài Úc…

ad-4nxep5bejpweinb3srgd3a-j-fj71z5rom1jhcadx-g0kxfoznkas9ienc-2yzqbyq-qh31nmvjxie3fbqyut45whznej4u0b5ttwtj9ddjp-940te-w9x4saokpbouj-svx9y8-ltw-f6whkjc3zetzm-i2-4919.jpg
Hệ thống Giáo dục phổ thông của EQuest rất đa dạng các chương trình liên kết nước ngoài. Ảnh: St.Nicholas School.

Bên cạnh đó, iSMART Education, đã xây dựng và triển khai chương trình học Tiếng Anh thông qua môn học (Toán – Khoa học), sử dụng hệ thống bài giảng số, áp dụng quản trị số toàn diện tại hệ thống trường công lập.

So với các chương trình Tiếng Anh giao tiếp thông thường chỉ tập trung vào kỹ năng giao tiếp, chương trình của iSMART sẽ mang đến cho học sinh cơ hội tiếp cận và học hỏi các thuật ngữ chuyên môn một cách tự nhiên, đồng thời phát triển kiến thức về Toán và Khoa học song song với việc nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh. Nhờ vào việc tiếp xúc với ngôn ngữ trong ngữ cảnh chuyên môn, học sinh phát triển được kỹ năng giao tiếp và thảo luận sâu hơn, giúp các em tự tin trong mọi môi trường học thuật và chuyên nghiệp”.

Theo vị này, việc triển khai chương trình không chỉ góp phần nâng cao năng lực cho học sinh mà còn hỗ trợ phát triển khả năng ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tại địa phương. Thông qua quá trình đào tạo và đồng hành của iSMART, giáo viên được trang bị kiến thức về công nghệ hỗ trợ giảng dạy, giúp nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn hệ thống.

Trước những yêu cầu ngày càng thay đổi về năng lực của học sinh thế kỷ 21, EQuest luôn nỗ lực để mang lại cho học sinh những chương trình giáo dục chất lượng nhất. Những chương trình này luôn được cập nhật theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Đối với những chương trình quốc tế đang được áp dụng tại hệ thống của EQuest, việc cập nhật, thay đổi sẽ diễn ra khi có thông tin chính thức từ đối tác cung cấp chương trình về việc cần phải đánh giá, kiểm định, thay đổi khung chương trình.

Điều này diễn ra trong suốt thời gian thời hạn hợp tác còn hiệu lực. Ngoài ra, việc đạt được kiểm định từ Tổ chức Cognia (Mỹ) cũng đặt ra yêu cầu cho các trường thành viên của EQuest phải thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, cải tiến liên tục, trong đó có các chương trình giáo dục.

Nên xem xét việc tự động gia hạn hoặc giản lược hồ sơ

Theo Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, thời hạn của liên kết giáo dục không quá 05 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục EQuest, gia hạn liên kết đào tạo là một quá trình quan trọng để đảm bảo chất lượng và tính phù hợp của các chương trình hợp tác giáo dục. Việc gia hạn còn là cơ hội để các cơ sở giáo dục đánh giá lại hiệu quả của chương trình, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Để được gia hạn, các cơ sở giáo dục cần thực hiện theo quy trình quy định tại nghị định này, tương tự như khi xin giấy phép triển khai. Quy trình này vừa tốn thời gian, công sức vừa tốn chi phí khi đòi hỏi cơ sở giáo dục phải thực hiện nhiều công đoạn, từ việc đánh giá hiệu quả chương trình đến việc hoàn thiện hồ sơ và chờ phê duyệt. Trong đó, quá trình xem xét và phê duyệt có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

Bên cạnh đó, việc gia hạn liên kết đào tạo còn cần sự phối hợp chặt chẽ với đối tác nước ngoài – đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực, chuyên gia và chương trình đào tạo chất lượng cao.

Tuy nhiên, quá trình gia hạn cũng gặp phải một số khó khăn như thay đổi chính sách, điều kiện tài chính, hoặc sự cạnh tranh từ các chương trình khác. Để vượt qua những khó khăn này, các cơ sở giáo dục buộc phải chủ động thích ứng với những thay đổi của thị trường, xây dựng các nguồn tài chính bền vững và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Chính vì những khó khăn ấy, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình liên kết nước ngoài tích hợp thường là các nội dung về Toán, Khoa học, nên nếu chương trình không thay đổi, bổ sung, thì việc phải gia hạn như vậy là không cần thiết.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho hay: “Việc gia hạn sau mỗi 05 năm là cần thiết, tuy nhiên, cần đơn giản hóa hồ sơ giấy tờ nếu chương trình không có thay đổi bổ sung hoặc không có các điều chỉnh từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hoặc cơ quan quản lý tại đơn vị đối tác”.

Theo đại diện EQuest, nhìn vào thực tế, để đơn giản hoá thủ tục, gỡ rối cho chính cơ quan quản lý cũng như cơ sở giáo dục, việc tự động gia hạn hoặc giản lược hồ sơ cũng là một hình thức có thể xem xét. Việc tự động gia hạn các chương trình liên kết đào tạo mang lại nhiều lợi ích đáng kể.

Đầu tiên, tiết kiệm đáng kể thời gian và nguồn lực cho cả cơ sở giáo dục và đối tác nước ngoài, giúp giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà. Thứ hai, tự động gia hạn đảm bảo tính liên tục của chương trình, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp tục quá trình học tập mà không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, việc gia hạn tự động cho thấy sự tin tưởng của cơ sở giáo dục vào chất lượng và hiệu quả của chương trình, đồng thời thể hiện cam kết của họ trong việc duy trì và phát triển hợp tác quốc tế.

“Và để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả, việc tự động gia hạn cần đi kèm với một hệ thống đánh giá chất lượng thường xuyên và khách quan. Cơ sở giáo dục cần có các cơ chế để theo dõi, đánh giá và cải thiện chất lượng chương trình một cách liên tục.

Bởi vì, các chương trình khi được chọn phải là những chương trình đã được kiểm định, tức là đảm bảo chất lượng. Ví dụ, toàn bộ hệ thống áp dụng tại EQuest được kiểm định bởi Tổ chức Kiểm định Cognia, tổ chức kiểm định hàng đầu tại Mỹ, với lịch sử hoạt động hơn 120 năm. Để duy trì được tiêu chuẩn kiểm định, đơn vị nhà trường luôn cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kiểm định cũng như thực hiện công tác tự đánh giá, xây dựng kế hoạch cải tiến liên tục nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học cho học sinh.

Ngoài ra, trước khi được chấp thuận và triển khai tại các địa phương, các nội dung và tài liệu của chương trình đều được trình các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương để thẩm định. Cơ quan quản lý sẽ nhận được cập nhật thông qua các báo cáo định kỳ (theo học kỳ hoặc theo năm học) nhằm đảm bảo giám sát chất lượng và nội dung chương trình giảng dạy. Cơ quan quản lý cũng được khuyến khích tham gia trải nghiệm các hoạt động học tập tại trường/lớp học cùng học sinh để kiểm tra thực tế. Đầu ra của học sinh sẽ là phương thức đánh giá chất lượng tốt nhất cho mỗi chương trình. Vậy áp dụng đánh giá đầu ra như nào để đánh giá đúng thực tế.

Bằng cách này, việc tự động gia hạn không chỉ mang lại lợi ích cho các bên liên quan mà còn đảm bảo rằng, chất lượng đào tạo luôn được nâng cao” – Tiến sĩ Đàm Quang Minh phân tích thêm.

ad-4nxefnbczn0x-hjkgoyoahtvchsgdy4xkqsaesiy0ky7-klxd-g0prtbiq-czxps29tcch88-mvf2fad9nea8hv1r-wquxxzubncsfvg2y0mp6xtpipkb-pv5hu2h5msoqojvzvyikvzv-nlvpp-cyjeucx2-1865.jpg
Việc tự động gia hạn liên kết đào tạo mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan, đặc biệt là học sinh. Ảnh: Einstein School HCMC.

Cần có những hỗ trợ thiết thực về mặt chính sách để thúc đẩy hợp tác

Đại diện EQuest nhấn mạnh, việc tích hợp chương trình học ngoại ngữ là một bước đi đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để quá trình triển khai diễn ra thuận lợi và hiệu quả, cần có giải pháp và sự đầu tư đồng bộ từ nhiều phía.

Đầu tiên, việc đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của các phương pháp giảng dạy và tài nguyên hiện tại là vô cùng quan trọng. Điều này giúp xác định những điểm mạnh, điểm yếu và từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp cũng như giúp tối ưu hóa chi phí và đảm bảo rằng các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả.

Thứ hai, đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên là yếu tố cốt lõi. Việc này có thể thực hiện thông qua các chương trình tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế.

Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra môi trường học tập hấp dẫn và tương tác cao.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ tài liệu, chương trình đào tạo và khuyến khích các hình thức hợp tác giữa các cơ sở giáo dục là cần thiết để tận dụng tối đa nguồn lực. Cơ sở giáo dục cũng có thể cân nhắc sử dụng các mô hình học tập đa dạng: học trực tiếp, học trực tuyến, hoặc kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, việc theo dõi và đánh giá thường xuyên là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo chất lượng và sự phù hợp của các chương trình giảng dạy.

“Về phía cơ quan quản lý, cũng cần có những hỗ trợ thiết thực về mặt chính sách như đơn giản hóa các quy trình hành chính và thủ tục để các cơ sở giáo dục dễ dàng hợp tác và liên kết với các tổ chức giáo dục quốc tế, tổ chức tư nhân; Khuyến khích các cơ sở giáo dục trong nước tìm kiếm và tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục tiên tiến, đồng thời xem xét các hình thức hỗ trợ tài chính từ các quỹ quốc tế hoặc tổ chức phi lợi nhuận. Các cơ sở giáo dục công lập có thể thông qua các tổ chức tư nhân để kết nối, hợp tác.

Việc thực hiện các biện pháp này có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai và giảm chi phí cho các cơ sở giáo dục, đồng thời đạt được mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh và sinh viên” – vị Phó Tổng Giám đốc chia sẻ.

Để từng bước nâng cao năng lực ngoại ngữ và việc đẩy mạnh liên kết giáo dục đào tạo với nước ngoài triển khai thuận lợi, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng nêu quan điểm: “Đội ngũ tư nhân luôn là lực lượng nhanh nhạy trong việc mở ra các cơ hội hợp tác mới với các đơn vị trong và ngoài nước.

Do đó, để nâng cao năng lực ngoại ngữ và thúc đẩy liên kết giáo dục đào tạo với nước ngoài, cần có những điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách để thúc đẩy sự hợp tác này và tận dụng tối đa nguồn lực để cùng chung tay nâng chuẩn tiếng Anh tại Việt Nam, không chỉ cho học sinh mà cho cả đội ngũ giáo viên”.

Bài viết gốc: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

TIN TỨC KHÁC