Quyết định miễn học phí cho học sinh công lập từ tháng 9/2025 của Bộ Chính trị là một cột mốc quan trọng, đặt ra câu hỏi lớn cho các trường tư thục về khả năng cạnh tranh và giữ chân học sinh.
Những khó khăn trong bối cảnh mới
Vào ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt: miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông công lập trên cả nước, bắt đầu từ năm học 2025-2026 (tháng 9/2025). Đây là một chính sách quan trọng nhằm giảm gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình, đồng thời khẳng định cam kết của Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập. Tuy nhiên, quyết định này cũng phần nào đặt ra thách thức cho các trường tư thục.
Chính sách miễn học phí tại các trường công lập chắc chắn sẽ tạo ra sức hút lớn đối với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp. Cùng với đó Thông tư 29 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Và điều này cũng giúp nhiều gia đình tiết kiệm được khoản chi tương đối lớn hàng tháng. Với chi phí giáo dục thấp, các trường công lập trở thành một lựa chọn kinh tế hấp dẫn, có thể dẫn đến sự chuyển dịch của một bộ phận học sinh từ các trường tư thục sang hệ thống công lập.

Mỗi thay đổi trong hệ thống giáo dục là cơ hội để các môi trường học tập khẳng định bản sắc riêng. Ảnh: Trường Ngôi Sao Hà Nội
Ngoài ra, hệ thống giáo dục công lập đang được cải thiện đáng kể nhờ các chính sách đổi mới từ Nghị quyết 18 và các chương trình đầu tư của Chính phủ. Điều này có thể thu hẹp khoảng cách giữa trường công và trường tư về cơ sở vật chất và chương trình học, khiến nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: “Tại sao phải trả phí để học ở trường tư khi trường công miễn phí và ngày càng tốt hơn?”.
Liệu có xảy ra làn sóng chuyển dịch từ trường tư sang trường công? Và trong bối cảnh đó, hệ thống giáo dục tư thực nói chung làm thế nào để tiếp tục khẳng định giá trị của mình, giữ chân học sinh và mang lại sự an tâm cho phụ huynh?
Triết lý giáo dục đồng hành toàn diện
Chị Trần Thị Lan, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học công lập ở Hà Nội, chia sẻ: “Tôi chọn trường công vì không phải lo lắng về học phí, đặc biệt từ năm 2025 khi Nhà nước miễn phí hoàn toàn. Trường con tôi học có cơ sở vật chất tốt, giáo viên tận tâm, và chương trình học phù hợp. Với gia đình thu nhập trung bình như chúng tôi, trường công là lựa chọn lý tưởng để con được học tập trong môi trường ổn định.”
Ngược lại, anh Nguyễn Văn Hùng, phụ huynh có con học tại một trường tư thục quốc tế ở TP.HCM, cho biết: “Trường tư thục có điểm mạnh là học sinh được trải nghiệm thực tế nhiều hơn thông qua các buổi dã ngoại. Các con sẽ được học về kỹ năng sống, giao tiếp… đồng thời được đào tạo trong môi trường mang tính “quốc tế” nhiều hơn. Ví dụ như có những lớp, trường dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Ngoại ngữ. Trường tư thục lớp học ít học sinh, thầy cô theo sát từng em. Dù chi phí cao hơn, chúng tôi thấy xứng đáng vì con được chuẩn bị tốt cho tương lai”.
Những góc nhìn này phản ánh sự đa dạng trong ưu tiên của phụ huynh. Mỗi phụ huynh đều có những quan điểm khác nhau trong việc chọn trường. Vì mỗi mô hình giáo dục đều có một thế mạnh riêng và đáp ứng những nhu cầu đa dạng của học sinh, phụ huynh. Trường công lập mang lại sự an tâm về tài chính và chất lượng cơ bản, trong khi trường tư thục nổi bật với sự cá nhân hóa và định hướng quốc tế. Cả hai hệ thống đều đóng vai trò thiết yếu trong việc đáp ứng các nhu cầu khác nhau, tạo nền tảng cho sự hợp tác thay vì cạnh tranh.

Lớp học quy mô nhỏ, chương trình mang tính quốc tế – đó là điểm cộng tạo nên trải nghiệm cá nhân hóa và sự gắn kết tại trường tư thục. Ảnh: Trường Newton Vĩnh Phúc
Hơn hai thập kỷ qua, giáo dục tư thục đã khẳng định vị thế, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới giáo dục. Từ khi hệ thống trường ngoài công lập hình thành vào cuối thập niên 1980, số lượng và chất lượng các cơ sở này không ngừng gia tăng. Năm học 2024-2025, Hà Nội ghi nhận khoảng 600 trường tư thục, trong đó hơn 100 trường trung học phổ thông tuyển sinh khoảng 30.000 học sinh lớp 10. Tại TP.HCM, con số cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt 2.136, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Đánh giá về những đóng góp của hệ thống trường ngoài công lập, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nhận định: “Việc phát triển các loại hình trường ngoài công lập đã giảm áp lực cho giáo dục thành phố, đặc biệt tại các quận, huyện có dân số cơ học và quá trình đô thị hóa tăng cao, có nhu cầu cao về trường lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh. Các bậc phụ huynh hiện nay cũng nhiều người lựa chọn cho con học trường tư thục vì chất lượng giáo dục tốt. Điều đó mang đến những tác động tích cực cho hệ thống giáo dục quốc dân.”
Trong khi đó, TS. Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định: “Các cơ sở giáo dục tư thục tạo điều kiện cho một bộ phận học sinh có thêm cơ hội học tập. Ngoài ra, hệ thống giáo dục tư thục đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế vì nó đang mang lại công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhiều giáo viên.” Ông nhấn mạnh rằng trường tư thục là thành quả của xã hội hóa giáo dục, tạo ra các hình mẫu sáng tạo mà trường công lập có thể học hỏi, một xu hướng phổ biến trên thế giới. Sự phát triển của trường tư không chỉ giảm áp lực cho hệ thống công lập mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong toàn ngành giáo dục.
Thúc đẩy hợp tác công – tư, khai phóng tiềm năng hệ sinh thái giáo dục
Ở góc độ quản lý, TS. Đàm Quang Minh – Chủ tịch Khối Phổ thông Tập đoàn Giáo dục EQuest – khẳng định: “Các trường tư hiện đang thể hiện lợi thế trong đào tạo tiếng Anh, STEM, kỹ năng sống, nhờ mô hình quản trị linh hoạt và khả năng đầu tư vào công nghệ, trải nghiệm thực tiễn. Đây là không gian mà giáo dục công lập có thể học hỏi và cộng hưởng.”
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, các đơn vị giáo dục tư nhân có vai trò tiên phong. Với kinh nghiệm triển khai chương trình song ngữ, ngoại ngữ tăng cường và liên kết quốc tế, các trường tư đang tạo ra hệ sinh thái học tập hiện đại – chuẩn bị tốt cho thế hệ học sinh bước vào nền kinh tế toàn cầu hóa.
Chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tư nhân phát triển. Trong các chính sách mới, vai trò của khu vực tư nhân được xác định rõ ràng như một đối tác đồng hành, thay vì chỉ là “bên ngoài hệ thống”. Nhà nước thể hiện sự đồng thuận bằng nhiều cách: tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, khuyến khích đầu tư vào giáo dục chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác công – tư trong đào tạo giáo viên, nghiên cứu và phát triển chương trình giảng dạy.

Hợp tác công – tư ngày càng được củng cố, mở ra cơ hội phát triển cho giáo dục tư nhân trong bối cảnh xã hội hóa. Ảnh: Trường Alpha – CGD
Dù là giáo dục công lập với sứ mệnh đảm bảo sự phổ cập và công bằng, hay giáo dục tư thục với tinh thần sáng tạo và cá nhân hóa, cả hai hệ thống đều là những mảnh ghép thiết yếu, góp phần tạo nên bức tranh giáo dục Việt Nam phong phú và toàn diện. Trong bối cảnh chính sách miễn học phí từ năm 2025 mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh, sự khác biệt giữa công lập và tư thục không nên là rào cản, mà là động lực để hai hệ thống bổ trợ lẫn nhau. Bằng cách học hỏi, hợp tác và chia sẻ nguồn lực, giáo dục công lập và tư thục có thể cùng nhau kiến tạo một hệ sinh thái giáo dục đa dạng, nơi mỗi học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng và tư duy để phát triển toàn diện.
Triết lý giáo dục đồng hành toàn diện không chỉ là đích đến, mà còn là kim chỉ nam để cả hai hệ thống cùng hướng tới, vì một thế hệ trẻ Việt Nam tự tin, bản lĩnh và sẵn sàng vươn ra thế giới.
Bài viết gốc: Dân Việt