Cách EQuest ươm mầm thế hệ nhân tài tương lai

Tại Tập đoàn Giáo dục EQuest, mỗi học sinh được xem là một tài năng nên đơn vị có phương pháp riêng khuyến khích các em thể hiện khát vọng, khám phá thế giới.

Theo thầy Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP HCM), Cố vấn Giáo dục khối K12 Tập đoàn Giáo dục EQuest, lịch sử đã nói nhiều về câu chuyện về thần đồng, nhưng không phải cứ phát hiện tài năng sớm là thành tài. Nên phương pháp và định hướng chính xác rất quan trọng.

Thầy Trần Nam Dũng – Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP HCM), Cố vấn giáo dục khối K12 Tập đoàn Giáo dục EQuest. Ảnh: Dương Tâm

Cũng theo thầy Dũng, nếu trước kia, việc tuyển chọn hoặc đánh giá một tài năng thường chỉ thông qua một kỳ thi tuyển. Học sinh đạt điểm cao được vào lớp chọn, lớp chuyên, điểm thấp sẽ bị loại, thì hiện nay, trong các buổi phỏng vấn tuyển sinh của hệ thống trường tại EQuest, học sinh sẽ được chia sẻ về thành tích, về sở thích cá nhân.

Ngoài ra, ban tuyển sinh sẽ có những câu hỏi liên quan đến định hướng tương lai, như “tại sao các em lại quyết định theo học tại trường”, “các em đã chuẩn bị gì cho quá trình học tập sắp tới”… Những câu hỏi này sẽ góp phần giúp nhà trường đánh giá khả năng giao tiếp và ứng xử của thí ính, cũng như có những góc nhìn toàn diện hơn về các em, thay vì thành tích điểm số.

“Để thành công lâu dài, nhà trường không nên chỉ nhìn vào điểm số hiện tại mà còn phải đánh giá được tố chất và động cơ mang tính lâu dài của từng thí sinh”, thầy Dũng nhấn mạnh.

Cô Khuất Thị Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội (thuộc Tập đoàn Giáo dục EQuest). Ảnh: Ngôi Sao Hà Nội

Chia sẻ thêm về vấn đề này, cô Khuất Thị Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội cũng cho biết, đối với lãnh đạo và các thầy cô ở Ngôi Sao, học sinh nào cũng đều có tiềm năng năng lực nổi trội riêng. Tiêu chí tuyển chọn học sinh của trường là lựa chọn những học sinh phù hợp với mục tiêu giáo dục của nhà trường và may mắn gặp được nhiều học sinh có năng lực học tập tốt, cha mẹ các em có cùng quan điểm giáo dục.

“Để các em đạt thành tích cao trong học tập trước hết, các em phải là một đứa trẻ có niềm vui, hạnh phúc khi đến trường. Chúng tôi tập trung làm những việc tốt nhất cho học sinh để các em thấy an toàn, hạnh phúc khi đi học, từ đó các em sẽ có động lực học tập tốt để đạt thành tích cao”, cô Nhàn cho hay.

Như vậy, tại EQuest, việc tìm kiếm và tuyển chọn các tài năng có sự khác biệt nhất định. Thay vì dồn 100% sức lực để cày điểm số, những đứa trẻ được phép tự do hơn, được thể hiện bản thân và khuyến khích học đam mê, tự chủ.

Hơn nữa, năng khiếu sẽ được bộc lộ ở từng độ tuổi khác nhau, một nhân tài có thể được phát hiện từ rất sớm nhưng cũng có trường hợp tài năng của các em sẽ được khám phá khi đã trưởng thành.

Học sinh trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội (Thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuets) Ảnh: Ngôi Sao Hà Nội

Để đánh thức tiềm năng của học sinh, giáo viên không thể “ươm mầm” quá ít, mà nên “gieo trồng” thật nhiều cơ hội để các em được trải nghiệm. Khi tiếp xúc đủ nhiều và sự say mê đủ lớn, những trải nghiệm cá nhân sẽ có điều kiện để trở thành tài năng. Hơn nữa, nhà trường không cần đưa ra những tiêu chí xét tuyển quá khắt khe và mang tính phân loại sớm mà quan trọng nhất là phải thấy được sự khát vọng, niềm yêu thích học tập và sự say mê khám phá của các em. Bên cạnh đó, các em phải có khả năng tự học, tự khám phá thông qua các hoạt động tự do thay vì thụ động tiếp nhận kiến thức từ thầy cô.

“Học sinh được thư giãn, giải phóng năng lượng trong các giờ thể thao, nghệ thuật cân bằng giữa học tập và thư giãn sẽ có khả năng tập trung tốt hơn, sáng tạo hơn khi trở lại với các tiết học mang tính học thuật”, cô Thanh Nhàn nhận định.

Với phương pháp “học thế nào”, thay vì “học cái gì”, nhiều học sinh của trường Ngôi Sao đã đạt thành tích cao trong học tập, như Phạm Việt Hưng (niên khóa 2016 – 2020) đạt học bổng trị giá 8,4 tỷ đồng của The University of Chicago; Trần Xuân Bách (niên khóa 2016 – 2020) đạt huy chương vàng Tin học Quốc tế 2022; top 3 ứng viên được đề cử giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022” lĩnh vực học tập; Nguyễn Đặng Minh Anh (niên khóa 2016 – 2020) đạt học bổng trị giá 7 tỷ đồng The University of Chicago.

Một yếu tố nữa trong quá trình phát hiện trẻ tài năng, theo thầy Trần Nam Dũng, bên cạnh nhà trường còn cần phụ huynh gần gũi, tương tác nhiều với con. Tuy nhiên, việc phát hiện đã khó, việc nuôi dưỡng tài năng còn đòi hỏi nhiều tâm sức hơn, lúc này nên cần đến các chuyên gia ở mức độ chuyên sâu để hỗ trợ các em. “Vì nếu định hướng hoặc phương pháp không đúng, sẽ dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến tương lai của các em”, thầy Trần Nam Dũng nói thêm.

Bài viết gốc: VnExpress

TIN TỨC KHÁC