Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn Giáo dục EQuest cho rằng, các máy học GPT mà nổi bật là ChatGPT, trong tương lai gần sẽ được phép sử dụng trong môi trường học đường để giải quyết các bài tập, bài thi.
Áp dụng công nghệ vào nhà trường: Hiển nhiên và nên làm
– Theo ông, ChatGPT sẽ tác động như thế nào đến giáo dục?
– ChatGPT là một ứng dụng tương tác tự động với người dùng (chatbot) do công ty OpenAI phát triển, mới ra đời khoảng 2 tháng đã thu hút hơn 100 triệu người dùng, được coi có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Truyền thông quốc tế nói đây là chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) tốt nhất đang phổ cập cho đại chúng.
Theo những gì được thảo luận, thế giới đang đứng trước thách thức bởi “con AI” siêu trí tuệ này. ChatGPT có thể trả lời tất cả những gì bạn hỏi, chi tiết, tường tận và nhanh chóng chưa từng thấy; thách thức các thầy giáo bằng việc giúp học sinh làm mọi loại bài tập. Ứng dụng này cũng có thể viết các bản luận văn, bài diễn văn, bản báo cáo và thư từ gửi cho khách hàng.
Nó cũng có thể viết báo, viết truyện, làm thơ, soạn nhạc và nhiều thứ khác thay cho lao động trí óc của con người. Tóm lại, theo sự ca tụng của truyền thông, trong tương lai không xa, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, học giả và thầy giáo sẽ không còn (bao nhiêu) việc để làm.
Về mặt tích cực, trước hết, ChatGPT có tác động rất lớn vào sự chậm trễ thay đổi hệ thống giáo dục và học thuật mà lẽ ra phải thay đổi từ khi có web1.0 của Internet – tức là trường học không còn là nơi cung cấp, nhồi nhét tri thức nữa mà thu lại ở việc hướng dẫn phương cách tiếp cận tri thức, hướng dẫn kỹ năng thực hành, kỹ năng sống với cộng đồng và kỹ năng tự sống sót.
– Có nên cấm học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT trước những lo ngại ứng dụng này có thể giúp người học làm bài tập, đồ án…?
– Trước đó, GPT-3 đã vượt qua được kỳ thi MBA của Trường Đại học Pennsylvania – trường kinh doanh Wharton (ngôi trường thuộc tốp đầu trong ngành Kinh doanh). Vượt qua bài thi với khoảng điểm trung bình khá, GPT-3 được giáo sư Terwiesch nhận xét đã “làm rất tốt ở các câu hỏi phân tích quy trình và bài toán quản lý, bao gồm những câu hỏi dựa trên các phương pháp/hoạt động nghiên cứu có sẵn”. Điều này tuy là bước đột phá trong kỷ nguyên số, nhưng cũng mở ra những thách thức cho nhà giáo dục.
Trên thực tế, một khảo sát của The Stanford Daily với 4.500 sinh viên đại học Stanford cho thấy 17% số sinh viên thừa nhận đã sử dụng ChatGPT khi làm bài tập cuối kỳ mùa thu và 5% trong số sinh viên đó nói rằng đã sử dụng hoàn toàn/sử dụng phần lớn bài viết của ChatGPT để nộp.
Đã có hai luồng hành động khác nhau ở các trường đại học Mỹ cho vấn đề này:
Một là, cấm hoàn toàn việc sử dụng ChatGPT bằng cách cho kiểm tra tại lớp tập trung (như cách Sở Giáo dục New York hoặc các trường G8 tại Úc đang thực hiện). Hai là, cho phép sử dụng ChatGPT nhưng phải ghi rõ ràng phần nào được thực hiện bởi ứng dụng này.
Đầu tiên, cần khẳng định, áp dụng công nghệ vào nhà trường, tại thời điểm này, là một điều hiển nhiên và nên làm. Vì vậy, các sản phẩm của OpenAI – chính xác là các máy học GPT, mà nổi bật là ChatGPT – trong tương lai gần sẽ được phép sử dụng trong môi trường học đường để giải quyết các bài tập và bài thi.
Thay đổi cách đánh giá người học
– Vậy theo ông, nên cho giáo viên và học sinh sử dụng ChatGPT thế nào trong dạy – học? Vì sao?
– Phiên bản đầu tiên của ChatGPT ra đời cách đây hơn 3 tháng và sự bùng nổ của ChatGPT là bất ngờ. Hiện trang web của ChatGPT liên tục trong tình trạng quá tải, đồng nghĩa với việc ChatGPT vẫn trong giai đoạn sửa chữa lỗi và thử nghiệm (fix bug & testing) và sắp có phiên bản hoàn chỉnh. Tuy vậy, sau giai đoạn mở rộng khả năng chịu tải của trang web và tăng khả năng xử lý, tôi nghĩ OpenAI bắt đầu phát triển khả năng lưu trữ những câu hỏi của người dùng để phục vụ cho mục đích học máy. Chúng ta có thể hình dung một quy trình thế này:
Trước hết, các trường học đăng ký với OpenAI về phần mềm phát hiện. Tiếp theo, các trường học cho các giáo viên tải bài giảng của mình lên nền tảng này. GPT sẽ đọc các bài giảng và sắp xếp câu hỏi theo từng môn, chủ đề. Sau đó, khi bất cứ ai hỏi một chủ đề tương tự, GPT sẽ đưa ra câu trả lời cho chủ đề đó, đồng thời lưu lại những thông tin đã trả lời vào dữ liệu.
Khi học sinh nộp bài, GPT sẽ scan qua câu hỏi, scan qua bài nộp và đối chiếu bài nộp đó với các câu hỏi đã có trong kho dữ liệu. Từ đó có được kết luận rằng, bài viết đó hàm lượng GPT tham gia vào là bao nhiêu.
– Theo ông, cần điều chỉnh trong dạy – học thế nào trước tác động từ ChatGPT?
– Tôi tin rằng ChatGPT sẽ được áp dụng trong việc đánh giá học sinh. Học sinh sẽ được phân tích về tâm lý, điểm số, hành vi, khuynh hướng… dựa trên nền tảng AI. Ngoài ra, AI còn có thể định hướng được nghề nghiệp cho học sinh và sinh viên.
Người dạy lúc này có thể dành nhiều thời gian hơn để quan sát, tạo sự liên kết với người học. Có lẽ thầy cô sẽ không còn phải viết lời nhận xét như “cần chú ý môn A, B” nữa. Việc đó để cho GPT. Thay vào đó, giáo viên có thể nhận xét về tính cách học sinh/sinh viên này thế nào, có điểm nào gây ấn tượng? Điểm nào cần phải khắc phục, những điểm nào GPT chưa thể nhìn thấy hết trong con người của học sinh đó?…
– Xin cảm ơn ông!
Bài viết gốc: Giáo dục và Thời đại