Bắt nguồn từ năm 1895, Tổ chức Kiểm định Cognia thuở sơ khai là sự hình thành của hai Hiệp hội Kiểm định đơn lẻ ở miền Trung Bắc và Nam nước Mỹ với mục đích đánh giá và thiết lập tính liên thông chặt chẽ giữa hệ phổ thông và cao đẳng – đại học của Mỹ (NCA CASI và SACS CASI) (1). Thời kỳ này, nền văn hóa và kinh tế Mỹ nhận được nhiều tác động tích cực bởi người nhập cư Châu Âu, kéo theo xu hướng quan tâm về việc học và giáo dục tại Mỹ sự gia tăng đáng kể (2).
Từ giữa thế kỷ XIX, người Mỹ sớm nhận ra rằng các trường học không đủ năng lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho kỷ nguyên mở rộng công nghiệp mới. Do đó, trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ này, kế thừa nghiên cứu từ các nhà giáo dục Châu Âu, nước Mỹ bắt đầu cải cách và đưa ra những nguyên tắc trong giáo dục nhằm thúc đẩy mạnh mẽ giáo dục phổ cập. Đặc biệt, chương trình giảng dạy được thay đổi, xoáy sâu vào việc quan sát, khảo sát, coi trọng các kỹ năng tự ghi nhớ, và suy nghĩ hơn là học-thuộc-lòng.
Đối với bậc tiểu học tại Mỹ, những ảnh hưởng của Châu Âu từ sau năm 1878, đã giúp thay đổi giáo dục ở đại đa số trường tiểu học về lý thuyết lẫn thực hành. Nhà trường dần hiểu rõ “kích thích sự đam mê” chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc dạy và học tốt. Để làm được như vậy, các nhà giáo dục tại Mỹ đã áp dụng chuẩn phương pháp giảng dạy gồm 05 bước, được thiết kế bởi ông Herbart (2) (“Johann Friedrich Herbart”, 1776–1841) – một trong những người sáng lập ra phương pháp “Chủ nghĩa duy thực”, đưa cả siêu hình học và tâm lý học vào nghiên cứu cách học của con người.
Nếu phương pháp giảng dạy của Herbart ngày càng được phổ biến rộng rãi khắp nước Mỹ từ giai đoạn cuối thế kỷ XIX, và mang lại hiệu quả giáo dục cho các trường Tiểu học, thì hệ thống THCS-THPT và Cao đẳng-Đại học vẫn phải vật lộn trong việc tìm kiếm phương pháp, cách thức tổ chức dạy học phù hợp. Mặc dù được các nhà cải cách giáo dục đầu tư nhiều tiền hơn, và hỗ trợ định hình lại mô hình trường học hiện thời để đáp ứng tính thời đại, nước Mỹ vẫn không có Bộ Giáo dục quốc gia đứng ra để đưa chính sách và thực hiện cải cách quyết liệt trên diện rộng.
Thay vì chờ đợi, người Mỹ đã chủ động xây dựng các trường trung học thông qua sáng kiến của địa phương, còn các nhà giáo dục thì nỗ lực lan tỏa ý tưởng của họ trên khắp các tiểu bang về cách khởi tạo, xây dựng và quản lý các trường trung học, tạo ra một số đặc điểm chung cho hệ thống giáo dục trên toàn quốc.
Nước Mỹ sang giai đoạn thế kỷ XX là những bước trở mình khắc sâu vào lịch sử. Một trong số đó là Chiến tranh thế giới thứ hai. Các tác nhân về chính trị, kinh tế, thị trường tác động rất lớn lên ngành giáo dục tại quốc gia này trong thời kỳ đó. Các đơn vị giáo dục không đồng nhất về mặt tổ chức, không có sự giám sát của chính phủ, không minh bạch trong vận hành, dẫn đến nhu cầu lớn của trong việc kiểm chứng và đánh giá chất lượng giáo dục từ phía người học và phụ huynh (10).
Những nguyên nhân trên trở thành động lực cho các hiệp hội kiểm định như tổ chức “Nghiên cứu Hợp tác về Tiêu chuẩn Trường Trung học” (NSSE thuộc Cognia, sau này được gọi là “Nghiên cứu Quốc gia về Đánh giá Trường học”) (1) phát triển mạnh mẽ, nhằm hỗ trợ nghiên cứu các tiêu chuẩn và khắc phục tình trạng dạy học kém chất lượng, thiếu tính liên thông chặt chẽ giữa các cấp, không mang lại giá trị thực tiễn cuộc sống xã hội Mỹ lúc bấy giờ (3). Việc các trường đạt kiểm định chuẩn giáo dục tương tự đạt một tấm thẻ xanh từ Chính phủ Mỹ, nó làm tăng sự tin cậy của Chính phủ khi trích Quỹ Học bổng Quốc gia tài trợ học sinh theo học tại các đơn vị giáo dục này, cũng như chấp thuận cho học sinh chuyển tiếp bảng điểm/ chứng chỉ giữa các trường đạt kiểm định (9) .
Đến nay, tại hầu hết các quốc gia, vai trò kiểm định chất lượng giáo dục được kiểm soát và thực hiện bởi một tổ chức chính phủ, chẳng hạn như Bộ Giáo dục. Riêng đối với Mỹ, Chính phủ ủy thác quy trình đảm bảo chất lượng giáo dục cho các tổ chức kiểm định phi lợi nhuận tư nhân. Để nhận được tài trợ và sự công nhận hợp pháp từ liên bang, tất cả các tổ chức kiểm định của Mỹ bắt buộc phải đạt công nhận bởi Ủy ban Cố vấn Quốc gia đặc trách Liêm chính và Chất lượng Giáo dục (NACIQI), cơ quan tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục (9). Do đó, Chính phủ liên bang vẫn là cơ quan cấp cao nhất và kiểm soát việc công nhận các tổ chức kiểm định.
Chính phủ Mỹ chỉ công nhận 06 tổ chức kiểm định dành cho các trường công lập và tư thục, một nửa trong số đó thuộc sở hữu của Cognia, bao gồm:
- Hiệp hội Kiểm định Chất lượng Giáo dục Trung Bắc Mỹ (NCA CASI);
- Hội đồng Kiểm định và Cải tiến Trường học của Hiệp hội các Trường Cao đẳng và Trường học phía Nam (SACS CASI);
- Hiệp hội Kiểm định Tây Bắc (NWAC).
Nhìn vào Cognia bây giờ, thật khó để tin rằng tổ chức này đã hoạt động trong ba thế kỷ! Hình thành từ cuối thế kỷ XIX, phát triển mạnh mẽ xuyên suốt thế kỷ XX, và tiếp tục xây dựng nhiều phương pháp để cải tiến, đưa vào nền tảng công nghệ hỗ trợ giáo dục trong thế kỷ XXI.
Sự vươn lên mạnh mẽ và rộng khắp thế giới của Cognia không đơn thuần đến từ việc tổ chức này đã trải qua những chặng hành trình lịch sử, có bề dày kiến thức và nghiên cứu về giáo dục, mà còn bắt nguồn từ chính văn hóa của Cognia: luôn sẵn sàng đón nhận sự thay đổi nhằm tác động tích cực cho người học, cam kết trung thực và kiên trì nỗ lực không ngừng với sứ mệnh thiết lập hệ thống giáo dục màngười học là trọng tâm (4), mục tiêu chuẩn bị cho mọi học sinh đến được đại học, nghề nghiệp và trở thành công dân toàn cầu.
Quan hệ đối tác của Cognia với các tổ chức giáo dục lớn trên khắp thế giới (40,000 trường học trên 85 quốc gia) (1) đã đưa Cognia đã tiếp cận với vô số mô hình và cách thức giáo dục khác nhau, hiểu biết sâu sắc về các quy trình và thực tiễn giáo dục. Từ những kinh nghiệm đó, Cognia đưa ra những tiêu chuẩn và tiêu chí trên cơ sở khoa học, đồng thời tư vấn để cải tiến chương trình, cũng như phương pháp giảng dạy cho các đơn vị giáo dục, phù hợp với văn hóa nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đầu ra và trải nghiệm cho học sinh.
Có thể nói, Cognia được thành lập để lấp đầy một khoảng trống quan trọng trong giáo dục: nhìn nhận từ sự tự đánh giá của tổ chức giáo dục và sự đánh giá chất lượng từ phía học sinh – phụ huynh. Nhờ đó, các tổ chức giáo dục thấy được bức tranh toàn cảnh (Điểm mạnh/điểm yếu/cơ hội/thách thức), bắt tay vào cải thiện một cách toàn diện và liên tục trong dài hạn (Kế hoạch cải tiến 03-05 năm).
Kiểm định Cognia là một quá trình nghiêm ngặt, đòi hỏi sự tập trung và hợp sức của toàn bộ nhân sự của tổ chức giáo dục và học sinh-phụ huynh, cùng hướng đến mục tiêu chính là tạo ra con đường học tập dẫn đến thành công cho tất cả học sinh, hình thành nên môi trường giáo dục gắn kết – nơi tất cả học sinh có thể phát triển đúng với ước muốn và năng lực của chính các em.
Quá trình kiểm định chất lượng bởi Cognia tại mỗi tổ chức/đơn vị giáo dục thường diễn ra trong thời gian từ 1.5 đến 02 năm và có giá trị trong vòng 05 năm sau đó. Trong suốt khoảng thời gian trong và sau kiểm định, tổ chức và các đơn vị thành viên cần song hành và phải cam kết không ngừng nỗ lực đổi mới, cải tiến để thúc đẩy các hoạt động giáo dục mạnh mẽ hơn, đồng thời tập trung vào các thành tố đưa tổ chức và đơn vị phát triển bền vững trong tương lai.
—👉🏻 Đọc thêm
Mặc dù tính đến nay, nhiều phương pháp sư phạm và giáo dục được sáng tạo và đổi mới, thay thế Phương pháp Sư phạm (05 bước) của Herbart, những thành tố giá trị của phương pháp này vẫn thấp thoáng đâu đó vẫn ứng dụng hiệu quả đến tận ngày nay, trong hoạt động giáo dục các cấp. Phương pháp này bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị (Preparation) là quá trình tập hợp nhằm liên đới các tài liệu, nội dung bài học mới cần dạy cho học sinh với những ý tưởng/trải nghiệm của thầy/cô/học sinh trong quá khứ, từ đó tạo cho học sinh hứng thú và cảm giác gần gũi đối với chủ đề đang giảng dạy. Ngày nay, bước chuẩn bị còn được biết đến qua cách gọi thân thuộc khác “Soạn thảo Giáo án” (Lesson Plan).
Bước 2: Trình bày/Truyền tải (Presentation) nội dung bài học bằng cách sử dụng các giáo cụ phù hợp hoặc kinh nghiệm thực tiễn của người dạy. Cách làm này thúc đẩy trí tưởng tượng, khả năng hình dung của học sinh để các em dễ dàng ghi nhớ bài học theo cách của riêng mình.Các trường phổ thông của EQuest cũng áp dụng phương pháp này qua các buổi học thực hành thí nghiệm, thực nghiệm, hay thậm chí việc học tiếng Anh qua Toán Khoa của iSMART,… học sinh được tiếp cận bài học từ nhiều công cụ và phương pháp dạy hiện đại, vừa trau dồi kiến thức, vừa được bồi đắp kỹ năng.
Bước 3: Liên kết/ Xâu chuỗi (Association) các kiến thức mới và kiến thức đã được học trước đó, thông qua việc gợi mở cho học sinh so sánh và suy nghĩ về những điểm tương đồng và khác biệt. Từ đó, học sinh được đồng bộ hóa các kiến thức liên quan, đưa những ý tưởng/bài học mới vào trong trí nhớ, dần hình thành luồn kiến thức chặt chẽ và chuyên sâu về chủ đề nhất định.Đối với hệ phổ thông, khi được học môn Khoa học lớp 4, Chương “Con người và sức khỏe”, chuỗi bài học về Trao đổi chất ở người, Vai trò dinh dưỡng trong thức ăn có thể được giáo viên hướng dẫn để học sinh nhớ lại và liên kết lại cho bài học về chủ đề “Tại sao cần phối hợp nhiều loại thức ăn?”.
Bước 4: Khái quát hóa (Generalization) là quy trình cực kỳ quan trọng trong giảng dạy, đặc biệt đối với các học sinh từ bậc THCS trở đi, nhằm phát triển khả năng thích nghi và tư duy vượt trội. Giai đoạn này, học sinh cần giáo viên dẫn dắt để có cách nhìn bao quát các chủ đề được học, hiểu rộng hơn trong các môn học, từ đó linh hoạt trong cách phát triển suy nghĩ và kết nối các dữ kiện kiến thức để giải quyết vấn đề.Trong môi trường giáo dục Anh ngữ, điển hình như IvyPrep, để học sinh trở nên thuần thục trong tiếng Anh, học sinh mỗi khóa học sẽ được dạy bởi 02 giáo viên. Giáo viên Việt Nam dạy Nghe và Viết, trong khi giáo viên nước ngoài dạy Đọc và Nói. Việc phân chia xen kẽ các buổi học với giáo viên khác nhau tạo cơ hội cho học sinh làm quen với sự khác biệt về ngữ điệu, cách diễn đạt và mở rộng cách tư duy. Đồng thời, những kỳ thi như English Champion của iSMART là phương pháp giúp học sinh luyện tập kỹ năng tổng hợp kiến thức các lĩnh vực đa dạng, trở nên tự tin trong trình bày và hoàn thiện kỹ năng nhiều hơn nữa.
Bước 5: Ứng dụng (Application) mang ý nghĩa hỗ trợ cho học sinh vận dụng được các kiến thức/lý thuyết đã thu nạp, biến nó trở thành hành động trong thực tế, được duy trì trong cuộc sống. Bước này thường được thể hiện rõ nhất qua các buổi học về kỹ năng mềm và chỉ có thể thực hiện được nếu học sinh áp dụng ngay khi mới học, biến nó thành thói quen và kỹ năng của mình. Kiểm tra hoặc khảo sát đánh giá được coi là các phương pháp mà giáo viên cần thực hiện để đảm bảo mức độ ứng dụng kỹ năng/kiến thức của học sinh.Cách tính toán và xem đồng hồ để biết giờ, cách tập thể dục để nâng cao sức khỏe, cách giao tiếp/tương tác khi thuyết trình để tăng tính thuyết phục, kỹ năng về Word/ PowerPoint… đều là những kỹ năng mang tính ứng dụng cao mà các trường hoặc đơn vị giáo dục có thể hướng dẫn cho học sinh.
Thước đo cho một số tiêu chuẩn nằm trong “Năng lực Dạy và Học” của Cognia cũng có sự tương đồng với Phương pháp giảng dạy 05 bước của Herbart. Hệt như vòng tuần hoàn trong quy trình đào tạo của một người giáo viên đối với học sinh. Chúng đều đi từ khâu chuẩn hóa tài liệu đến việc đưa vào thực tiễn, khéo léo lồng ghép giữa truyền đạt kiến thức và huấn luyện kỹ năng cho học sinh, và cuối cùng là đảm bảo tính hữu ích, khả năng ứng dụng vào trong thực tế của các em./.
📚 Nguồn tài liệu
- Cognia Milestones, Cognia Inc., viewed on 05 August 2021: https://www.cognia.org/the-cognia-difference/history/milestones/
- 1878-1899: Education: Overview, Encyclopedia.com, viewed on 05 August 2021: https://www.encyclopedia.com/history/news-wires-white-papers-and-books/1878-1899-education-overview
- Hooked on accreditation a historical perspective, Antoinette Flores on 14 December 2015, Center of American Progress: https://www.americanprogress.org/…/hooked-on…/
- History & overview of AdvancED, viewed on 05 August 2021: https://advancedorg.instructure.com/courses/89/pages/history-and-overview-of-advanced
- History of Cognia, Cognia Inc., viewed on 05 Aug 2021: https://www.cognia.org/ctl-stories/history/
- The five-formal steps in teaching of Herbart/ Herbartianism, Encyclopædia Britannica, Inc., last updated on May 01, 2021: https://www.britannica.com/topic/Herbartianism
- Johann Friedrich Herbart, Stanford Encyclopedia of Philosophy, first published on 08 December, 2015: https://plato.stanford.edu/entries/johann-herbart/
- Outlines of Educational Doctrine, John Frederick Herbart, translated by Alexis F. Lange, Ph.D, The Macmillan Company, published in 1904, New York: https://www.gutenberg.org/files/44905/44905-h/44905-h.htm
- K-12 Accreditation’s next move, Jennifer Oldham, last updated on 19 September, 2017: https://www.educationnext.org/k-12-accreditations-next-move-storied-guarantee-looks-to-accountability-2-0/
- Accreditation in the United States: How Did We Get to Where We Are?, Wiley Periodicals, New directions for higher education, 2009, Inc. published online in Wiley InterScience: https://www.uog.edu/_resources/files/faculty-senate/2019-FDD-Reading-Material-1.pdf