Dạy và học trực tuyến: Tiến tới trường học thông minh

Việc dạy học trực tuyến đến thời điểm này đã có rất nhiều thay đổi và theo chiều hướng tích cực. Đó là ghi nhận của các chuyên gia tại Hội thảo trực tuyến “Dạy và học trực tuyến – Khó khăn thực tế và Giải pháp công nghệ” do iSMART Education vừa tổ chức, dưới sự bảo trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Từ bỡ ngỡ đến… chủ động

Chia sẻ với những khó khăn vất vả của các thầy cô, học trò, phụ huynh học sinh trong suốt 2 năm qua khi phải thay đổi cách thức, từ sinh hoạt cuộc sống cho đến cách dạy và học, ông Bùi Đắc Tú, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội cho biết, ở thời điểm năm 2020, giáo viên và học sinh còn lúng túng khi buộc phải chuyển từ cách học truyền thống sang cách học trực tuyến, do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhà trường và giáo viên lúc đó mới bắt đầu đi tìm các giải pháp công nghệ để phục vụ cho việc giảng dạy, sau đó phải hướng dẫn học sinh sử dụng các thiết bị dạy học trực tuyến. Chưa kể, các sự cố mất tín hiệu và việc sử dụng các phần mềm miễn phí có sự hạn chế về mặt thời gian và các công cụ nên ít nhiều đã ảnh hưởng tới chất lượng dạy học, đặc biệt, thời lượng dạy của mỗi tiết học.

Nhiều nhà trường, nhiều giáo viên đã phải thay đổi về quy chế trường học và quy chế học trực tuyến và gặp rất nhiều khó khăn ở thời điểm bắt đầu triển khai” – ông Bùi Đắc Tú nói.

Khách mời tham dự hội thảo

Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều thay đổi, theo chiều hướng tích cực. Theo ông Tú, qua theo dõi, tại Hà Nội, giáo viên và học sinh đã dần thích ứng với cách dạy và học trực tuyến. Đặc biệt, các nhà trường đã chủ động xây dựng được thời khóa biểu, kế hoạch dạy học trực tuyến theo phân phối chương trình tương đối ổn định.

Các thầy cô giáo cũng rất sáng tạo đi tìm hiểu các công nghệ, phần mềm hỗ trợ cho việc dạy học online. “Chúng tôi tin tưởng, trong thời gian tới các thầy cô sẽ tiếp tục áp dụng và làm chủ được công nghệ để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả hơn” – ông Bùi Đắc Tú bày tỏ.

Tại Việt Nam, Alpha School là một trong những trường học tiên phong đưa mô hình trường học trực tuyến vào ứng dụng trong chương trình dạy học chính thức. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sĩ Thư, nhà sáng lập Alpha School thừa nhận, khi dịch bệnh Covid-19 ập tới, Alpha cũng gặp tình trạng lúng túng giống như nhiều trường học khác.

Nhưng với quyết tâm duy trì việc học tập, rèn luyện cho học sinh, Alpha đã dành toàn bộ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, thậm chí có thời điểm, biến toàn bộ trường thành 1 “công xưởng” để tổ chức việc giảng dạy và “sản xuất” các bài giảng để triển khai ngay vào năm học mới.

Đáng chú ý, bắt đầu từ năm học 2021 – 2022, nhằm hoàn thiện mô hình trường học trực tuyến, Alpha School đã quyết liệt đầu tư vào các ứng dụng công nghệ mới trong dạy và học, trong đó Hệ thống quản lý học tập của giải pháp dạy và học trực tuyến toàn diện MegaSchool, nhằm giúp học sinh có thể tương tác bài giảng, kiểm tra việc tiếp thu kiến thức ngay trong quá trình học tập hoặc bằng các bài kiểm tra tổng hợp.

Mô hình tại Alpha School mà chúng tôi đang triển khai là mô hình trường học trực tuyến toàn diện” – ông Nguyễn Sĩ Thư cho hay, đồng thời nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã làm các trường phổ thông phải chuyển đổi cách thức dạy học truyền thống sang hướng ứng dụng công nghệ nhiều hơn, qua đó các nhà trường nhận thấy những lợi ích của việc sự dụng công nghệ trong dạy học, đặc biệt trong một thế giới ngày càng có nhiều diễn biến khó lường do thiên tai, dịch bệnh,…

GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng tình, thời gian đầu tiên khi chúng ta bắt đầu học online, đó chỉ là giải pháp tình thế để không làm gián đoạn hoạt động và các trường cũng mới chỉ dừng lại ở câu chuyện trao đổi, tương tác đơn thuần hoặc giao bài tập cho học sinh thực hiện… Sau đó, chúng ta thấy lựa chọn này là một xu thế tất yếu. 

“Nếu quan sát quá trình học online trong năm đầu tiên và đến năm nay, chúng ta thấy một sự thay đổi hoàn toàn. Thay đổi từ sự chuẩn bị, thái độ học tập của học sinh và sự sẵn sàng của các thầy cô, đồng thời phải nhìn nhận là chúng ta đã làm rất tốt” – GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương và các bên đối tác đã nỗ lực để tạo ra nguồn tài nguyên về học tập tốt nhất cho học sinh, để các nhà trường và thầy cô có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, trong năm nay, các trường đã chủ động trong việc xây dựng các kế hoạch bài giảng, kỹ năng sử dụng CNTT của các thầy cô giáo tăng lên nhanh chóng, việc cập nhật, sử dụng công nghệ nhanh, không gặp trở ngại… “Tôi nhìn thấy một tương lai tích cực, khi chúng ta quay lại trường học, nhưng những gì online mang đến và hiệu quả thì vẫn sẽ được tận dụng tốt nhất trong các lớp học trực tiếp. Tuy trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn này cũng mang đến sự đổi mới thích ứng cho giáo dục” – GS.TS Lê Anh Vinh nhìn nhận.

Tiến tới các trường học thông minh

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, làn sóng học tập trực tuyến sẽ không mất đi ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, mà nó sẽ giúp cho chúng ta cải thiện việc dạy và học trong nhà trường. Trước đây, chúng ta  nói nhiều tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy, hoặc sử dụng CNTT trong giảng dạy nhưng việc triển khai còn chậm. Tuy nhiên, thời gian qua là một cú hích đã tạo ra sự thay đổi lớn.

“Phần lớn các thầy cô giáo, kể cả các thầy cô trước đây còn tâm lý “ngại” đổi mới, ứng dụng CNTT, nay đã trở thành thói quen. Việc chuyển đổi số tuy vất vả, phải bỏ công bỏ sức học những cái mới, nhưng khi đã làm chủ công nghệ, hiệu quả mang lại rất lớn” – GS.TS Lê Anh Vinh nói.

Để thúc đẩy quá trình dạy và học trực tuyến, ông Bùi Đắc Tú cho hay, trong thời gian qua, về cơ sở pháp lý để bên cạnh Thông tư 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các nhà trường, thầy cô giáo nhằm tạo điều kiện về môi trường dạy học trực tuyến thuận lợi nhất. Ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng chủ động cung cấp thông tin để có sự ủng hộ của dư luận.

Bên cạnh đó, về các giải pháp phần mềm hỗ trợ dạy học, Sở đã xây dựng những hệ thống dùng chung như hệ thống Hanoi study để hỗ trợ học sinh ôn tập và kiểm tra trực tuyến bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan, hay phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội để xây dựng các bài giảng trên truyền hình và nhiều tỉnh thành trên toàn quốc đã xin được tiếp sóng của Đài truyền hình Hà Nội về việc dạy học… Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến trang thiết bị dạy học, với việc triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em”. Hiện có khoảng 4.500 học sinh đã được nhận các thiết bị học trực tuyến

Nhấn manh trường học trực tuyến không còn là biện pháp chống dịch mà đã trở thành một sự lựa chọn vì tiện lợi, chi phí hợp lý, ông Bùi Đắc Tú khẳng định, khi dịch bệnh tới đây có kết thúc chúng ta cũng khó có thể từ chối phương pháp dạy học trực tuyến và hiện nay chúng ta đang phát huy rất tốt. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì 1 đề tài khoa học cấp thành phố và được lãnh đạo thành phố rất quan tâm, đó là việc xây dựng thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với các trường mầm non và giáo dục phổ thông ở Hà Nội.

“Từ kết quả triển khai thí điểm, chúng tôi mới có được những khuyến cáo nhiều hơn về chính sách, phương pháp tiếp cận đối với mô hình dạy học như thế nào cho phù hợp với từng vùng miền, cấp học, từng địa bàn… Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu để thành phố ban hành những mô hình rất rõ, để cho các trường, các quận huyện áp dụng” – ông Bùi Đắc Tú thông tin.

Tuy nhiên, ông Bùi Đắc Tú cho rằng, đứng trước xu thế của thế giới nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng, đội ngũ giáo viên và nhà quản lý, trong đó vai trò của người hiệu trưởng… sẽ là những lực lượng tiên phong quyết định đến cách thức dạy học đến từng đơn vị.

Các báo đã đưa tin:
Người Lao Động
Giáo dục và Thời đại
Infonet
Giáo dục TPHCM
Vnmedia.vn

TIN TỨC KHÁC