“Hãy để Vicers thổi hồn vào môn Ngữ Văn”

Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hà – Giáo viên môn Văn, Trường THCS Thực nghiệm Victory

Trong thập niên hai mươi của thế kỉ XXI chúng ta đã chứng kiến một bước nhảy vọt của ngành công nghiệp điện tử, kéo theo đó là hàng loạt những bước tiến mới, lối đi mới. Chúng ta dần làm quen với những khái niệm mới thú vị và đa sắc hơn như “thế giới phẳng” “thời đại 4.0” “thời đại 5.0”…những điều mà có lẽ trước nay con người chẳng dám mơ tới. Dưới tác động mạnh mẽ của thời đại, môi trường, và đặc biệt là nhu cầu về con người, Giáo dục cũng có những bước chuyển mình lớn để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Dẫu vậy việc dạy và học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông vẫn luôn là những khó khăn và thử thách đòi hỏi mỗi giáo viên phải kiên trì, sáng tạo để vượt qua.

Từ khi xuất hiện khái niệm thầy và trò, xuất hiện những lớp học, giảng đường là từ đó chúng ta quen với hình ảnh người thầy cô đứng trên bục giảng, giảng giải cho học sinh những bài học hay, những kiến thức căn bản để thi cử, thoả mãn điểm số và đặc biệt là có một tấm bằng đẹp. Thầy cô luôn là trung tâm trong lớp học, và mọi điều thầy nói là tôn chỉ là ngọn hải đăng soi sáng tâm hồn mỗi đứa trẻ. Điều này lại càng đúng hơn với bộ môn Ngữ văn, “khi mà chỉ có thầy cô mới hiểu tác giả muốn nói gì, cảm nhận như thế nào? Và truyền đạt điều gì?”- đó là suy nghĩ của tôi khi còn là một học sinh và chắc hẳn cũng không ít bạn học sinh khác cũng có cùng suy nghĩ như tôi.

Vì lẽ đó, khi là một giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn, tôi hạn chế mình “thổi hồn” và nêu những đánh giá nhận định của mình trong bài dạy, thay vào đó tôi luôn nỗ lực tạo ra không khí và tổ chức hoạt động lớp để học sinh có thể cảm nhận rõ nét và nhận định chủ quan nhất về tác phẩm, ngữ liệu được đưa ra. Thay vì chúng chỉ ngồi nghe những điều tôi nói, tôi cố gắng để trẻ có thể vận dụng tất cả những giác quan, trí tưởng tượng của mình và bằng vốn sống riêng, trải nghiệm riêng, mỗi học sinh sẽ cho tôi những nhận xét đầy “mặn mà” theo cách hiểu của riêng chúng. Và đó sẽ trở thành những dư vị đặc trưng khiến cho tiết học trở nên hấp dẫn.

Với tôi, lớp học là nơi học sinh có thể nói lên tiếng nói cá nhân, bày tỏ quan điểm và lắng nghe những ý kiến khác, qua đó, chúng học được cách dùng lý lẽ logic, lập luận chặt chẽ để bảo vệ quan điểm của mình nhưng đồng thời chúng cũng học được cách phải lắng nghe và thấu hiểu người khác, và cũng là cơ hội để tôi có thể lắng nghe, hiểu học sinh của mình hơn, cũng là để điều chỉnh kịp thời nếu có những quan điểm lệch lạc. Qua mỗi tiết học, các con không chỉ khám phá ra những kiến thức mới một cách tự nhiên nhất, mà còn học hỏi được thêm nhiều những kĩ năng mềm phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

Mong muốn thay đổi, cải tiến và sáng tạo luôn thôi thúc tôi từng ngày để không ngừng học hỏi và tìm tòi những thứ mới mẻ, để góp phần hoàn thiện những lứa học sinh hiện đại, văn minh hội nhập với bạn bè năm châu.

TIN TỨC KHÁC