Học trực tuyến đang tạo cơ hội cho trẻ em thích ứng với công nghệ nhanh

Mặc dù còn những thách thức tuy nhiên việc học tập trực tuyến đã dần trở nên quen thuộc và tạo điều kiện cho các em học sinh cơ hội thích ứng với công nghệ một cách nhanh chóng, mở thêm “cánh cửa” khai thác kho tàng kiến thức vô cùng lớn trên Internet…. Đó là nhìn nhận của các chuyên gia tại Hội thảo “Dạy và Học trực tuyến – Góc nhìn từ phụ huynh và học sinh” do iSMART Education vừa tổ chức.

Thích ứng với “guồng quay” học online

Là phụ huynh của hai con đang học bậc tiểu học tại Trường thực nghiệm Victory, anh Mai Thanh Hà chia sẻ tại hội thảo, trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, việc cho con đến trường học chứa đựng nhiều rủi ro cho nên việc phải học online là cần thiết. Mặc dù giai đoạn đầu các cháu và bố mẹ còn lúng túng trong việc làm quen với việc học trực tuyến, từ việc setup máy móc, nhập học online và có rất nhiều vấn đề khác nảy sinh trong quá trình học, tuy nhiên đến nay, các con đã chủ động trong việc lập học online.

“Khi nhìn vào những điểm đó, tôi nhận thấy các con có khả năng thích ứng công nghệ nhanh. Một cháu nhà tôi mới học lớp 1 nhưng đã biết dùng máy tính, bật phần mềm với vô số những phần mềm khác nhau, tuy nhiên con đã có thể sử dụng trơn tru, thậm chí còn có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm để tra cứu thông tin khi gặp phải một từ khó hoặc một yêu cầu của cô mà các con chưa hiểu rõ. Điều này có nghĩa các con có thể truy cập và tự mở cánh cửa khai thác kho tàng kiến thức vô cùng lớn trên mạng” – anh Mai Thanh Hà cho hay, đồng thời dẫn chứng, về cơ bản, nhìn về khía cạnh tích cực thì các cháu đã thích ứng với việc học trực tuyến.

Là phụ huynh của một học sinh đang học cấp 2 tại TP. Hồ Chí Minh – nơi có giai đoạn giãn cách dài vì Covid-19, chị Vũ Thị Thu Hằng – sáng lập CMC Parenting Hub – Tổ hợp giáo dục sáng tạo dành cho cha mẹ và học sinh, chuyên gia tâm lý học đường nhận định, cho tới thời điểm này cụm từ học trực tuyến, hay học online… đã trở nên rất quen thuộc với mọi người.

Những chuyện “dở khóc, dở cười”, những nhược điểm, khó khăn ở giai đoạn đầu học trực tuyến bùng nổ một cách dữ dội với hàng loạt bài viết chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội, song đến thời điểm hiện nay, gia đình tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đãvào “guồng” cũng như bắt đầu “enjoy” với việc học trực tuyến. “Chúng ta đều hiểu rằng rất cần thiết trang bị cho các con những kỹ năng của thế kỷ 21, trong đó có kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ số” – chị Vũ Thị Thu Hằng nói.

Ở góc độ chuyên gia trong ngành giáo dục, PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Nhà sáng lập POMath, Chương trình phát triển tư duy thanh qua dạy học môn Toán theo định hướng cá nhân dành cho trẻ em cho biết, cá nhân tôi cũng khá lúng túng khi hỗ trợ con mình học trực tuyến và nhiều khi cũng thấy bất lực vì không phải mình đang được hưởng 1 hệ sinh thái học trực tuyến đầy đủ. Điều này là một điều thực sự khó khăn.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ huynh cảm thấy tự tin hơn và đánh giá học trực tuyến bắt đầu hiệu quả và xu hướng tăng dần lên. Một cuộc khảo sát nhỏ ngay trong khuôn khổ phạm vi hội thảo hôm nay cũng cho thấy, có 57% người tham gia trả lời nhận định tự tin khi giúp con/cháu mình học trực tuyến và 56% cho rằng học trực tuyến có hiệu quả.

Tính riêng từ cuối năm 2020 đến nay, các nghiên cứu về việc dạy học trực tuyến trong biến động xã hội, đặc biệt là trong thời điểm Covid-19 cho thấy đã tăng chóng mặt và ở hầu hết các tạp chí giáo dục đều đăng tải những công trình về vấn đề này” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu, đồng thời cho rằng, mặc dù trong thời gian qua, có nhiều những hình ảnh khóc và cười về học trực tuyến được chia sẻ lan tràn trên mạng… nhưng những áp lực, khó khăn và sự thích ứng chưa thành công của chúng ta trong dạy học trực tuyến không phải chỉ là bài toán riêng của Việt Nam, mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, không chỉ đối với trẻ em, đối tượng mới đi học là học sinh tiểu học, mà còn xảy ra ngay cả ở bậc đại học khiến cho giảng viên và những người làm giáo dục cảm thấy bức bối.

“Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận đó là cuộc sống, ngay kể cả đi học trực tiếp, những điều như vậy vẫn xảy ra và không bao giờ có một hệ sinh thái giáo dục hoàn hảo, bởi mỗi một người đều có một khả năng thích nghi riêng, một nhận thức riêng, mục tiêu và các kỹ năng để đáp ứng việc học tập” -PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ thêm.

Cơ hội tiếp cận công bằng trong giáo dục

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, những đầu tư về dạy học trực tuyến của chúng ta trong 2 năm chưa có nhiều tiến bộ. Mặc dù qua các đợt giãn cách xã hội, chúng ta đã cố gắng rất nhiều, nhưng những điều kiện cần và đủ cho dạy học trực tuyến diễn ra được như mong đợi vẫn chưa có. Ví dụ như hạ tầng của các trường học, hoặc của các gia đình chưa thay đổi nhiều. Vì trong nhận thức của chúng ta vẫn đang nghĩ dạy học trực tuyến là hình thức tạm thời, giải pháp mang tính tình thế. Do đó, ngay cả đối với giáo viên, năng lực giảng dạy thực hành cũng chưa tiến bộ đáng kể.

Nhà sáng lập CMC Parenting Hub Vũ Thị Thu Hằng nêu thực trạng, ở một số tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa đã phải dừng việc học trực tuyến, vì không đủ trang thiết bị, thiếu máy móc, thiếu giáo viên, đường truyền Internet yếu, thậm chí không có… Đây là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm giải quyết. Đặc biệt, cần có 1 phần mềm tích hợp mọi công cụ, cô và trò chỉ chia sẻ và làm việc với nhau qua 1 hệ thống “all in one”, bao gồm đầy đủ cơ sở dữ liệu, hệ thống bài giảng cộng với các chương trình giảng dạy phù hợp… “Tôi may mắn khi con trai đang học trong một trường học có hệ thống quản lý học tập (LMS) tích hợp, con chỉ cần nhấn vào 1 đường link là có thể đến ngay với lớp học, nhưng khi quan sát các đơn vị khác, tôi nhận ra có nhiều trường học họ kết hợp, sử dụng nhiều phần mềm khác nhau… khiến học sinh gặp khó khăn trong quá trình học online” –  chị Vũ Thị Thu Hằng bày tỏ.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ khẳng định, công nghệ là giấc mơ và là sức mạnh của chúng ta trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, khi triển khai các mô hình giáo dục công nghệ, ngoài sự quan tâm của các cơ quan chức năng còn cần sự vào cuộc của mỗi người dân, mỗi phụ huynh học sinh.

Hiện nay với sự trợ giúp của công nghệ, chúng ta đã có khá nhiều sự thay đổi. Thứ nhất, về nền tảng công nghệ, chỉ trong khoảng 3 năm tới, khi mạng 5G phủ sóng  sẽ giúp cho việc tiếp cận sóng Internet tốt hơn ở vùng sâu vùng xa. Thứ hai, bù đắp cho nhận thức, kỹ năng, cơ hội tiếp cận của mọi người, khi đó, sức mạnh của dạy học trực tuyến sẽ thấy rõ hơn. Vì việc giảng dạy trực tuyến sinh ra là để áp dụng ở mọi lúc mọi nơi, không phụ thuộc chúng ta đang ngồi ở đâu và làm gì, chỉ cần có sóng và có thiết bị là có thể học được.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã triển khai một số dự án và qua đó cho thấy trẻ em dưới 10 tuổi ở vùng sâu đang tiếp cận công nghệ và ngoại ngữ không thua kém trẻ em ở thành phố. Những thử nghiệm này cho phép là chúng ta có thể hy vọng vào những đầu tư mới đây cùng với những chương trình mang tính xã hội, ví dụ như “Sóng và Máy tính cho em” chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách này” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

Đọc thêm tại Báo Thanh Niên, Eva.vn, Afamily.vn

TIN TỨC KHÁC