Hợp tác công tư- gỡ nút thắt của giáo dục

Một lãnh đạo ngành giáo dục cho biết cả nước có hơn 1,5 triệu học sinh tiểu học ở nông thôn và miền núi không có cơ hội được học tiếng Anh. Lý do là thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng. Và thiếu cả giáo viên các môn học khác.

Thiếu giáo viên là một vấn đề nóng hiện nay. Cả nước đang thiếu hơn 118.000 giáo viên trong khi số giáo viên nghỉ việc cũng lớn. Năm 2023 có 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc.)

Thiếu trường lớp cho học sinh ở các đô thị lớn cũng là vấn đề lớn. Năm 2023-2024 hơn 51.000 học sinh Hà Nội không được vào học các trường công lập như mong muốn vì thiếu trường và các lớp học đều quá tải.

Công nghệ cao đang là ngành đem lại nhiều giá trị và lợi nhuận lớn trên thế giới và tại Việt Nam. Vì thế nhu cầu học STEM xuất hiện và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ra các chỉ đạo, hướng dẫn về việc thúc đẩy dạy STEM. Tuy nhiên, giáo viên các trường công lập đã thực sự quá tải với khối lượng công việc hiện có nên việc triển khai các chủ trương mới là việc khó khăn.

Thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế của đất nước, việc đẩy mạnh học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh đã được triển khai từ nhiều năm qua. Xu thế và nhu cầu học tiếng Anh được tăng tốc mạnh hơn nữa vì lợi ích của nó trở nên ngày càng rõ ràng khi ngày càng có nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam và môi trường lao động quốc tế ngày càng hấp dẫn với người Việt.

Một lãnh đạo ngành giáo dục cho biết cả nước có hơn 1,5 triệu học sinh tiểu học ở nông thôn và miền núi không có cơ hội được học tiếng Anh. Lý do là thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng. Và thiếu cả giáo viên các môn học khác. Cả huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái với hơn 9.000 học sinh tiểu học nhưng chỉ có một giáo viên tiếng Anh. Các huyện miền núi khác ở Tây Bắc, Tây Nguyên chắc chắn cũng ở trong tình trạng tương tự.

Năm qua, truyền thông đã nhắc đến hai sáng kiến giải quyết vấn đề thiếu giáo viên tiếng Anh. Thứ nhất là mô hình dạy trực tuyến do thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie khởi xướng. Thầy Khang đã bố trí giáo viên tiếng Anh của mình dạy trực tuyến cho các em học sinh tiểu học tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Mỗi giáo viên phụ trách một trường và để giúp được 18 trường ở Mèo Vạc thầy Khang cần tuyển dụng ít nhất 18 giáo viên và dự kiến tiếp tục tuyển dụng thêm cho năm học mới. Mỗi tuần các em học sinh được học 3 tiết trực tuyến với các cô giáo từ Hà Nội và 1 tiết trực tiếp với các cô giáo ở Mèo Vạc.

Thứ hai là mô hình trực tiếp kết hợp trực tuyến (iLINK) của công ty ISMART thực hiện tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện Nam Trực (Nam Định) và huyện Thái Thuỵ (Thái Bình) với 9.702 học sinh tham gia. Tại Mù Cang Chải, vào một giờ cố định 1 giáo viên của ISMART kết nối trực tuyến tới 117 lớp học của 16 điểm trường trên toàn huyện và cùng 117 giáo viên địa phương dẫn dắt buổi học cho gần 3.700 học sinh theo một kịch bản chi tiết đã được gửi trước và sử dụng bài giảng số đã được cài đặt sẵn tại các máy tính ở lớp học.

Điều khác biệt lớn nhất của mô hình iLINK là việc xây dựng năng lực cho giáo viên địa phương. Theo mô hình này, các giáo viên địa phương được tập huấn để sử dụng thành thạo phần mềm bài giảng số, quy trình dạy bài giảng số và phối hợp với giáo viên chính từ Hà Nội. Các buổi tập huấn được tiến hành trực tiếp và trực tuyến, các giáo viên được kiểm tra đánh giá. Tổng số 604 giáo viên đã được ISMART đào tạo trong đó có rất nhiều giáo viên tiếng Anh trong khuôn khổ các chương trình này tại ba huyện nói trên.

Với tất cả các vấn đề khó khăn đã được nhắc đến ở trên, khối tư nhân đều có đóng góp quan trọng trong việc giải quyết. Các trường tư thục được mở ra ngày càng nhiều. Các chương trình hợp tác giữa trường công và doanh nghiệp tư nhân trong việc dạy tiếng Anh và STEM đã được triển khai. Sự thiếu giáo viên đã được bù đắp bằng nguồn lực từ các doanh nghiệp. Đặc biệt hơn, các giáo viên địa phương khi tham gia các chương trình hợp tác này đều thu nhận được kiến thức và phương pháp sư phạm mới, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy chính khoá.

Sự hợp tác này là biểu hiện thực tế của mô hình hợp tác công tư trong giáo dục. Ngay cả các nước phát triển cũng phải áp dụng mô hình hợp tác này vì không chính phủ nào có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu giáo dục vốn mang tính cá thể hoá cao.

Chủ trương xã hội hoá giáo dục đã được Đảng và Chính phủ khẳng định trong nhiều văn kiện và chính sách quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế gặp vô vàn khó khăn vì thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết, vì sự quản lý chồng chéo và cả tâm lý sợ trách nhiệm của các cấp quản lý tại địa phương. Có chương trình liên kết được lựa chọn không hoàn toàn dựa trên chất lượng vì cũng không có một cơ chế chung thẩm định, đánh giá và xếp loại các chương trình liên kết đào tạo. Các khoản chi phí đầu năm của học sinh luôn là mối quan tâm của dư luận xã hội. Nhân chuyện lạm thu của học sinh, đã có tiếng nói đòi xoá bỏ mọi hình thức học thêm và các chương trình liên kết trong các trường công. Trong cơn cuồng phong dư luận về lạm thu, các cấp có thẩm quyền dễ có xu hướng xuôi theo dư luận cho an toàn.

Lạm thu, ép buộc học sinh học thêm để thu tiền là tệ đoan cần xoá bỏ. Tuy nhiên, nếu vơ đũa cả nắm để xoá bỏ luôn một hình thức hợp tác có hiệu quả, xoá bỏ các thực tiễn tốt đã được khẳng định qua thời gian thì thật đáng tiếc. Cái tưởng là lợi trước mắt thì có thể nhìn thấy: các phụ huynh đỡ một khoản tiền, các nhà quản lý bớt đi một gánh nặng trách nhiệm. Nhưng cái hại về lâu dài thì còn lớn hơn vì học sinh nghèo mất cơ hội được tiếp cận các chương trình tốt. Con em nhà khá giả vẫn phải học thêm ngoài giờ, vừa tốn thêm thời gian và chi phí cao hơn để tích luỹ những kiến thức và kỹ năng mà chương trình chính khoá không thể cung cấp được.

Xã hội hoá giáo dục, hợp tác công tư trong giáo dục là xu thế tất yếu. Và xu thế mới cũng tạo ra vấn đề mới. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có giải pháp, chỉ là chuyện tối ưu hay tối thiểu. Điều này phụ thuộc vào trình độ và đạo đức công vụ, phụ thuộc vào tâm và tầm của nhà quản lý. Bỏ lỡ cơ hội đã là một lỗi nhưng loại trừ một cơ hội sẽ là tội với thế hệ tương lai.

Bạch Ngọc Chiến

Bài viết gốc: Dân Việt

TIN TỨC KHÁC