Hợp tác công-tư trong giáo dục: Xu hướng của nền giáo dục hiện đại

Trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục còn hạn hẹp, thì hợp tác công-tư (PPP) không chỉ tạo cơ hội để học sinh có thể tiếp cận với nhiều môn học, phương pháp giảng dạy quốc tế, mà còn hướng đến một nền giáo dục toàn diện cho học sinh Việt Nam.

Các dự án PPP cung cấp các ứng dịch vụ trong hoạt động giáo dục đã đóng góp nguồn lực xã hội cho giáo dục – Ảnh: VGP/MT

Ở nhiều nước trên thế giới, nhà nước thường có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đào tạo của các tổ chức của tư nhân, như về đất đai, thuế, tín dụng ưu đãi; chính sách miễn giảm thuế cho những người, những đơn vị tài trợ cho giáo dục đào tạo….

Đồng thời, nhà nước trao quyền tự chủ cao cho các trường công lập (kể cả về mặt thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức biên chế, nhân sự, tài chính). Bên cạnh tài trợ của nhà nước, trường được tự chủ huy động các nguồn lực tư. Đó là hướng kết hợp PPP có hiệu quả. Những kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ tư nhân tham gia vào cấp tài chính tăng làm cho hiệu quả và thành tích giáo dục bậc cao tăng, nhất là ở các trường tư.

Vai trò của hợp tác PPP trong giáo dục

Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài, mở ra nhiều cơ hội để các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như việc thành lập phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam…

Nghị quyết số 35/NQ-CP cũng đã chỉ rõ cần thu hút các nguồn lực đầu tư cho xã hội, cho giáo dục và đào tạo nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, Chính phủ đã khuyến khích và tạo nhiều điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, lĩnh vực đào tạo. Đặc biệt, Nghị quyết số 35/NQ-CP đã chỉ rõ xã hội hóa cho giáo dục và đào tạo phải được xem là một chỉ tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thực tế tại Việt Nam, các dự án PPP cung cấp các ứng dụng dịch vụ trong hoạt động giáo dục đã đóng góp nguồn lực xã hội cho giáo dục. Các dự án này bao gồm các hoạt động giáo dục, mà cơ sở giáo dục công lập có thể hợp đồng với khu vực tư nhân để thực hiện, như xây dựng chương trình giáo dục; đánh giá, kiểm định, xếp hạng trường học; tham gia xây dựng và giám sát thực hiện chính sách giáo dục; tổ chức các hiệp hội nghề nghiệp hướng tới chuyên nghiệp hóa nghề dạy học, nghề quản lý giáo dục.

Trong các mô hình đó, nếu cơ sở nào là cơ sở giáo dục công thì quá trình hợp tác tư sẽ được xem là bổ trợ và liên kết để thúc đẩy phát triển. Ngược lại ở những cơ sở đầu tư tư nhân cho giáo dục có thể hợp tác với các cơ sở công lập để cùng chia sẻ các phương pháp giảng dạy mới, đầu tư về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại, về các chương trình liên kết với mục tiêu cùng nâng cao chất lượng giáo dục để hai bên cùng  phát huy thế mạnh (win-win). Tuy nhiên, dù ở hình thức nào thì sự đan xen, kết hợp ở những mức độ khác nhau về vận hành công-tư và tài chính công-tư đều hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo quyền lợi và cơ hội tiếp cận chương trình tiên tiến cho học sinh.

Chính sách hợp tác và đầu tư trong giáo dục của Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Chất lượng nền giáo dục của Việt Nam được nâng lên 5 bậc, đạt thứ hạng 59 trên bảng xếp hạng quốc tế năm 2021. Việt Nam đã có một số trường đại học trong các bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất thế giới. Đối với giáo dục phổ thông, Việt Nam cũng đạt kết quả cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA.

Với chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đến nay Việt Nam đã có gần 3.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các địa phương trong cả nước. Hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp phần bổ sung nguồn lực cho giáo dục, cung cấp thêm cơ hội cho người học.

Báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm học 2020-2021, số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17% trong hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỉ USD, đến từ 33 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Chương trình iSMART (chương trình học tiếng Anh qua toán và khoa học) đã góp sức góp phần cùng hệ thống công lập giải quyết bài toán khó về thiếu nguồn lực giáo viên tiếng Anh – Ảnh: VGP/MT

Đa dạng hóa các hình thức hợp tác

Nhiều chương trình PPP giáo dục đã thực sự đem lại sự thay đổi toàn diện trong giáo dục và đào tạo góp phần nâng cao kỹ năng, kiến thức cho học sinh, sinh viên để đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

Để quá trình PPP trong lĩnh vực giáo dục đạt hiệu quả cao, Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các bên, đồng thời Bộ GD&ĐT cũng đã có các quyết định cho phép nhiều hình thức hợp tác khác nhau nhằm hướng đến đảm bảo mục tiêu chung về giáo dục đào tạo mà Nhà nước và xã hội yêu cầu.

Cụ thể, các Nghị định 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 về quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và đánh giá đúng vai trò của đơn vị tư nhân trong việc chung tay góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.

Có nhiều hình thức PPP trong giáo dục, như các chương trình liên kết để cùng đào tạo, hợp tác đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng và thiết bị dạy học hiện đại; hợp tác với đơn vị giáo dục tư nhân để dạy tại các trường công các môn học (ngoại ngữ, công nghệ, STEM, hoạt động ngoại khoá chuyên sâu) mà trường công không có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để giảng dạy; thuê đơn vị giáo dục quản lý hoàn toàn một trường công như mô hình trường bán công; thuê ngoài một phần dịch vụ giảng dạy những môn học cần giáo viên có năng lực đặc biệt (luyện thi các môn chuyên sâu cho kỳ thi quốc tế, các kỳ thi chuẩn hoá (SAT, AP…)….

Riêng chương trình, các môn tự chọn trong trường công, thì chương trình iSMART (chương trình học tiếng Anh qua toán và khoa học) đã góp phần góp phần cùng hệ thống công lập giải quyết bài toán khó về thiếu nguồn lực giáo viên tiếng Anh, lớp học quá tải. Với gần 1.500 giáo viên tiếng Anh và đội ngũ hỗ trợ đang làm việc tại hơn 500 trường trên toàn quốc, giảng dạy cho 120.000 học sinh đã phần nào tháo gỡ gánh nặng thiếu nguồn lực giáo viên trong hệ thống.

Trên thực tế, không chỉ là tiếng Anh qua các môn học, một số nhu cầu khác của học sinh, như học luyện thi IELTS, SAT, AP, TO… thì các cơ sở công lập đang phải đảm nhiệm công việc chính là dạy các môn theo chương trình chung của quốc gia, sẽ khó có nguồn lực, nhân lực để đáp ứng. Thông thường học sinh và phụ huynh sẽ phải tự tìm các dịch vụ bên ngoài. Do đó, nếu biết cách phối hợp với các bên thì chắc chắn sẽ tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cả 3 bên (học sinh – đối tác – nhà trường). 

PPP hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo quyền lợi và cơ hội tiếp cận chương trình tiên tiến cho học sinh – Ảnh: VGP/MT

Tạo sân chơi bình đẳng

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, hiện nay trung bình mỗi năm ngân sách TPHCM chi ra khoảng 2.700 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường học. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 65.000 người học thì nhu cầu xây thêm các cơ sở đào tạo là vô cùng lớn. Vì thế hợp tác PPP, xã hội hóa đầu tư giáo dục là con đường duy nhất để giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành giáo dục TPHCM hiện tại.

Không chỉ ở TPHCM, mà trên cả nước ta, sự kết hợp công-tư trong tài trợ nguồn lực là một đòi hỏi và thực tế khách quan, làm cho hệ thống giáo dục năng động hơn, hiệu quả hơn. Vấn đề là phải kết hợp được một cách hợp lý, có hiệu quả các mặt tích cực giữa tài trợ và vận hành của PPP trong mỗi loại hình, cấp bậc đào tạo cũng như đa dạng hóa các hình thức này và tạo ra một “sân chơi” bình đẳng để thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư và hợp tác từ khối tư nhân.

Trong nội dung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 có nội dung triển khai dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Điều này thể hiện tầm nhìn xa và dài hạn của Đảng và Chính phủ trong việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực của đất nước phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên với nguồn lực của đất nước còn hạn chế nên rất cần có sự chung tay của nhiều nguồn lực xã hội, trong đó đầu tư từ khối tư nhân là nguồn lực quan trọng.

Trong Công văn số 2345/ BGDĐT-GDTH ngày 7/6/2021, hướng dẫn thực hiệnThông tư 32/2018/TT-BGDĐT và Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, hướng dẫn chi tiết việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, khẳng định: “Đối với các hoạt động giáo dục củng cố, tăng cường, hoạt động theo nhu cầu người học được tổ chức theo hình thức trải nghiệm, thăm quan, hoạt động xã hội, tìm hiểu văn hoá địa phương… Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học…”.

Đối với các lĩnh vực như các môn tiếng Anh, STEM, năng khiếu… hay còn được gọi là môn tự chọn, trong quá trình triển khai, chúng ta cũng cần kiểm định, phân tích để đưa ra sự lựa chọn các hình thức hợp tác, các phương pháp giáo dục hiện đại có lợi cho nền giáo dục nói chung và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh nói riêng một cách khách quan, từ đó tạo nên sự khích lệ những nhà đầu tư vào giáo dục và những người làm giáo dục.

Ví dụ như trong việc quyết định đưa ra lựa chọn các môn tự chọn của các trường trên toàn quốc hiện nay cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên.

Thứ nhất, của cơ quan quản lý giáo dục là cấp bộ cần có những nghiên cứu, đánh giá về các chương trình, môn học cũng như thẩm định năng lực của các nhà đầu tư trước khi cấp phép. Quan trọng nhất là cần minh bạch và giám sát và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Vì lợi ích của học sinh và ngành giáo dục, công ty nào làm tốt phải được duy trì, tạo điều kiện. Đơn vị nào chất lượng không đảm bảo, có dấu hiệu trục lợi cần cương quyết loại bỏ.

Thứ hai, các trường học cần có khảo sát nhu cầu học tập thực tế của học sinh theo số đông và có bố trí, tạo điều kiện một cách khoa học, công bằng về tổ chức lớp, người học, môn học. Học sinh và phụ huynh phải thực sự được trao quyền tự chủ lựa chọn, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng riêng biệt của từng gia đình. Ví dụ như như các môn học tăng cường tiếng Anh, STEM không được xếp thời khóa biểu vào giờ chính khóa hay là phân biệt môn chính, môn phụ…

Thứ ba, đối với phụ huynh, học sinh cần cân nhắc khả năng tài chính cùng như nguyện vọng và nhu cầu hiện tại và tương lai hướng nghiệp của mình khi lựa chọn các môn học tăng cường.

 PGS.TS. Ngô Văn Cẩm
Viện Quản trị và Công nghệ FSB – Trường Đại học FPT 

Bài viết gốc: Cổng TTĐT Chính phủ

TIN TỨC KHÁC