Kiểm định quốc tế cho trường học đã trở thành thước đo chất lượng giáo dục, đồng thời mang đến cơ hội cho nhiều cơ sở giáo dục Việt Nam vươn ra thế giới.
Ông J. David Armstrong, Jr. – Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục EQuest, cho rằng giáo dục Việt Nam hoàn toàn có cơ hội nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, thậm chí tương lai không xa, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành điểm sáng về giáo dục trong khu vực, thu hút học sinh, sinh viên từ nhiều quốc gia. Để đạt được điều này cần một lộ trình hoàn thiện, trong đó kiểm định quốc tế sẽ là mục tiêu quan trọng của nhiều tổ chức giáo dục ở Việt Nam.
* Vì sao ông cho rằng kiểm định quốc tế sẽ dần trở thành một phần không thể thiếu với các trường học Việt Nam, thưa ông?
Tại Mỹ, kiểm định đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các trường đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao và luôn là một trong những yếu tố đầu tiên phụ huynh quan tâm khi tìm kiếm trường học cho con cái họ. Điều này quan trọng bởi một số lý do sau:
- Trường đã được một tổ chức độc lập kiểm định mang lại cho phụ huynh và học sinh sự tin tưởng rằng con em họ đang nhận được nền giáo dục chất lượng.
- Quá trình kiểm định có thể giúp nhà trường xác định những lĩnh vực cần cải thiện để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tốt hơn cho học sinh.
- Môi trường học tập và giảng dạy tại các trường đạt kiểm định trở nên hấp dẫn hơn đối với học sinh và giáo viên, do đó có thể nâng cao chất lượng giáo dục tổng thể tại trường.
Trong lĩnh vực giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã khuyến khích các trường đăng ký đánh giá, kiểm định với các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín. Khi đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, các cơ sở giáo dục Việt Nam sẽ được công nhận và đánh giá cao, từ đó tăng cơ hội hợp tác, trao đổi học thuật, nghiên cứu, sinh viên, giảng viên… với các cơ sở giáo dục quốc tế, góp phần thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế đến Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã tiến rất sâu vào quỹ đạo hội nhập quốc tế, chúng ta đang đứng thứ 59 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Tôi tin rằng, kiểm định sẽ tiếp tục giúp cải thiện đáng kể vị thế của giáo dục Việt Nam so với thế giới. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, sẽ đến lúc Việt Nam trở thành điểm đến du học hấp dẫn của các quốc gia khác trong khu vực.
* Đến nay, hầu như chỉ có các trường quốc tế mới tham gia kiểm định, vậy theo ông, nếu các trường học “thuần Việt” muốn tham gia kiểm định liệu có vấp phải rào cản nào không? Với kinh nghiệm của mình, EQuest có thể chia sẻ một vài lưu ý khi tham gia kiểm định quốc tế?
Tại Việt Nam, EQuest là tổ chức giáo dục tư nhân đầu tiên và duy nhất đạt kiểm định toàn diện bởi Cognia – tổ chức kiểm định uy tín hàng đầu thế giới có hơn 125 năm lịch sử, kiểm định hơn 40.000 trường học/tổ chức tại hơn 90 quốc gia trên toàn thế giới. Chúng tôi đã tiến hành kiểm định cho 14 đơn vị thành viên, trong đó có 12 trường phổ thông, gồm: Hệ thống Giáo dục Alpha, Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory, Hệ thống Trường Liên cấp Newton, Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội, Trường St. Nicholas Đà Nẵng, Trường THPT Victory Sài Gòn), Hệ thống Giáo dục Ngôi Sao Hà Nội, Trường Liên cấp Newton Vĩnh Phúc, Trường Quốc tế Canada, Trường Song ngữ Quốc tế Canada, Trường Tiểu học – THCS – THPT Albert Einstein và Trường Tiểu học – THCS – THPT Happy School; iSMART Education và IvyPrep Education.
Giai đoạn đầu tiên, rào cản lớn nhất có thể đến từ văn hóa, con người. Người Việt Nam cảm thấy an toàn với những thói quen được lặp lại nhiều năm, đặc biệt ở những trường có lịch sử lâu đời và đang rất thành công. Tuy nhiên, khi đã hiểu lợi ích kiểm định, chúng tôi có được sự nhất trí cao của các nhà quản lý, ban giám hiệu, giáo viên và thậm chí phụ huynh, học sinh, giúp việc đánh giá các tiêu chuẩn được công bằng và toàn diện. Hàng loạt quy trình đã được cải tiến và thay đổi, giúp việc vận hành và giảng dạy được nâng cao hơn rất nhiều. Ngay cả sau khi đạt kiểm định bởi Cognia, quá trình liên tục cải tiến vẫn được diễn ra mỗi ngày và đã trở thành thói quen tốt của cả hệ thống.
Một số kinh nghiệm cụ thể của EQuest trong việc áp dụng tiêu chuẩn kiểm định quốc tế là cần có sự quyết tâm mạnh mẽ từ cấp quản lý, lãnh đạo; cần có sự tham gia của các bên liên quan bao gồm lãnh đạo, giảng viên, sinh viên, nhà tuyển dụng; cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch và lộ trình cụ thể; cần có sự linh hoạt và sáng tạo phù hợp.
* Theo ông, Việt Nam có cần bảng xếp hạng trường học hay không?
Tại Mỹ, hầu hết các bang đều có hệ thống đánh giá trường học công lập dựa trên thành tích của học sinh, như tỷ lệ tốt nghiệp và kết quả các bài kiểm tra chuẩn hóa, kết quả các cuộc thi học thuật. Các tổ chức độc lập cũng có thể xếp hạng hoặc đánh giá trường học dựa trên nhiều tiêu chí và dữ liệu khác nhau.
Theo tôi, nếu muốn tập trung vào cạnh tranh để thúc đẩy và công nhận sự xuất sắc của trường học, thành tích của học sinh và sự xuất sắc của giáo viên thì hãy bắt đầu bằng cách tự nâng cao chất lượng nội tại của mỗi trường. Trong đó, việc so sánh với các tiêu chuẩn kiểm định là một cách làm tốt. Sau đó có thể tham khảo các hình thức đánh giá xếp hạng độc lập. Chẳng hạn, việc xếp hạng hoặc đánh giá trường học ở Mỹ hiện là một chuẩn mực phổ biến.
Để xây dựng hệ thống xếp hạng hoặc đánh giá trường học ở Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta cần thời gian và nỗ lực. Chúng ta cần trao đổi với các nhà lãnh đạo trường học, các chuyên gia giáo dục, và các bên liên quan.
Ông J. David Armstrong, Jr. là cựu Chủ tịch Danh dự của Trường Đại học Broward tại Florida (Mỹ) với 65.000 sinh viên. Với hơn 10 năm lãnh đạo, ông đã thành công đưa Broward trở thành trường đại học cộng đồng top 3 tại Mỹ (theo Aspen Institute). Trước đó ông nắm chức vụ quản lý cao cấp (tương đương Thứ trưởng) của toàn bộ Hệ thống Cao đẳng tại Florida. Ông có hơn 10 năm sinh sống tại Việt Nam, hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục EQuest.Ông nhận được nhiều giải thưởng, trong đó: top 100 leaders trong kinh doanh về giải thưởng Florida, giải thưởng Tạp chí South Florida Kinh doanh, công nhận South Florida Business Leader và nằm trong Danh sách 50 người quyền lực nhất Broward County tại tạp chí Gold Coast. |
Bài viết gốc được đăng tải tại báo Tuổi Trẻ: