Kiểm định quốc tế – Giấc mơ giáo dục Việt Nam cạnh tranh thế giới

Kiểm định chất lượng giáo dục đã và đang là xu thế chung nhằm khẳng định vị thế và chất lượng đào tạo của từng cơ sở giáo dục. Quá trình hội nhập với thế giới buộc ngành giáo dục Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việc tham gia kiểm định mang lại nhiều lợi ích cho cả phụ huynh, học sinh, sinh viên và các nhà trường. Tuy nhiên, đây cũng là một hành trình đầy khó khăn, thậm chí phải thay đổi nhiều “thói quen” cũ để bắt kịp các tiêu chuẩn mới.

Kiểm định quốc tế – đã đến lúc giáo dục Việt Nam cạnh tranh thế giới

Chứng nhận kiểm định chính là minh chứng chất lượng của nhà trường đối với phụ huynh, học sinh, sinh viên; với chính quyền và các cấp quản lý giáo dục; với nhà tuyển dụng sau khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Đặc biệt là hiện nay, nhu cầu của phụ huynh và học sinh, sinh viên không chỉ theo học các chương trình tại Việt Nam mà còn cần tương thích với tiêu chuẩn của các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ, Canada, Anh, Úc… Nếu các cơ sở giáo dục tại Việt Nam muốn cam kết về chất lượng giáo dục đạt chuẩn của cả Việt Nam và quốc tế thì chứng nhận kiểm định quốc tế chính là minh chứng thuyết phục nhất.

Học sinh nhận được nhiều giá trị khi nhà trường tham gia vào quá trình kiểm định chất lượng giáo dục.

Năm 2021, Tập đoàn Giáo dục EQuest trở thành tổ chức giáo dục tư nhân đầu tiên tại Việt Nam tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế bởi Cognia (tổ chức kiểm định lớn nhất tại Mỹ, có lịch sử hơn 125 năm) cho tập đoàn và 8 đơn vị thành viên gồm: Hệ thống Giáo dục Alpha, Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory, Hệ thống Trường liên cấp Newton, Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội, Trường St. Nicholas Đà Nẵng, Trường THPT Victory Sài Gòn, iSMART Education (iTD Academy, iTO và 789.vn) và IvyPrep Education. Trong năm 2023, EQuest đang tiếp tục tham gia kiểm định cho các đơn vị thành viên gồm: Hệ thống Giáo dục Ngôi Sao Hà Nội, Trường Liên cấp Newton Vĩnh Phúc, Trường Quốc tế Canada, Trường Song ngữ Quốc tế Canada, Trường Tiểu học – THCS – THPT Albert Einstein và Trường Tiểu học – THCS – THPT Happy School.

Cognia đã dành hơn 1 năm để theo sát hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình cải tiến và chuẩn hóa của EQuest, theo bộ tiêu chuẩn quốc tế bao gồm 04 nhóm đặc trưng (gồm Văn hoá học tập, Lãnh đạo học tập, Tương tác trong học tập và Sự phát triển trong học tập) với 30 tiêu chuẩn đi kèm. Đây cũng là bộ tiêu chuẩn đã và đang ứng dụng cho hơn 40.000 trường học/tổ chức tại 85 quốc gia trên toàn thế giới do Cognia kiểm định.

TS. Đàm Quang Minh – Chủ tịch Ủy ban Phổ thông, Tập đoàn Giáo dục EQuest

Ông Đàm Quang Minh – Chủ tịch Ủy ban Phổ thông, Tập đoàn EQuest cho biết: Quá trình kiểm định đòi hỏi các đơn vị phải có sự linh hoạt, sáng tạo, đổi mới để dung hòa những tiêu chuẩn quốc tế và nền giáo dục Việt Nam. Kiểm định thúc đẩy nhà trường, giáo viên phải thay đổi và phát triển không ngừng. 

Các quy chuẩn, tài liệu, công cụ đã được các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế quy định và hướng dẫn rõ. Đối với tổ chức kiểm định Cognia, con người được coi là những yếu tố quan trọng trong quá trình kiểm định. Trong đó: đối với học sinh là kết quả học tập, sự tiến bộ và cơ hội học tập bình đẳng ở một môi trường an toàn; đối với giáo viên là môi trường giảng dạy hiệu quả, được đào tạo chuyên môn và có cơ hội bình đẳng trong phát triển chuyên môn và thăng tiến sự nghiệp; đối với lãnh đạo, Cognia đánh giá qua sự tận tụy trung thành của nhân viên, sự cam kết một cách tích cực và tự giác hoàn thành các nhiệm vụ được giao, và sự nhất quán của người lãnh đạo. 

Nhà lãnh đạo, giáo viên – những người tiên phong nâng cao chất lượng giáo dục

Tham gia kiểm định tạo động lực phát triển năng lực bản thân và truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo tại đơn vị: Tham gia kiểm định Cognia mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các nhà lãnh đạo nhà trường trong quá trình quản trị, tạo điều kiện học hỏi nhiều ở các trường đã đạt kiểm định Cognia để nhận thức rõ hơn về các điểm mạnh và hạn chế của trường, từ đó có những biện pháp cải tiến phù hợp, nhanh chóng. Nhà giáo TS. Lê Thị Bích Dung, Thành viên Hội đồng sáng lập Hệ thống Trường liên cấp Newton cho biết: “Vai trò của một người lãnh đạo trong quá trình phát triển của trường và thành công của học sinh là rất quan trọng, là một trong bốn đặc trưng tiên quyết của chuẩn Cognia. Một người lãnh đạo trong trường học không chỉ định hướng và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn mà còn có trách nhiệm: Đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, chia sẻ giữa phụ huynh và nhà trường, tạo ra một môi trường học tập tích cực, truyền cảm hứng cho cả giáo viên và học sinh. Bằng cách thúc đẩy sự phát triển cá nhân của giáo viên và học sinh, người lãnh đạo có thể tạo ra một môi trường học tập năng động và đạt hiệu suất cao.”

Nhà giáo TS. Lê Thị Bích Dung, Thành viên Hội đồng sáng lập Hệ thống Trường liên cấp Newton, thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest

Theo TS. Trần Thị Thanh Thủy, Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Alpha, đối với giáo viên, kiểm định vừa là thước đo, vừa hỗ trợ công cụ và cũng truyền cảm hứng để nâng cao năng lực. Ví dụ như kể từ khi được công nhận kiểm định, Hệ thống Giáo dục Alpha đã không ngừng nỗ lực cải tiến để ngày càng chuẩn hóa toàn bộ các hoạt động trong hệ thống, trong đó có việc thực hiện chặt chẽ các tiêu chuẩn đánh giá lớp học bằng công cụ quan sát lớp học Eleot (Cognia). Công cụ quan sát lớp học này định hướng cho giáo viên tạo ra môi trường học tập bình đẳng, phát triển, phù hợp cho tất cả học sinh. Cùng một thời điểm giáo viên sẽ cần nâng cao khả năng quan sát, điều phối để có thể phù hợp 26 tiêu chí cần đánh giá trong giờ dạy.

Cũng theo ông Đàm Quang Minh, việc tham gia kiểm định quốc tế sẽ là một cú hích lớn giúp giáo viên Việt Nam có những bước chuyển mình. Không chỉ là những bộ tiêu chuẩn khô khan yêu cầu phải tuân theo, kiểm định giáo dục sẽ giúp các thầy cô có một mục tiêu lớn hơn, đó là đưa giáo dục Việt Nam ngang tầm quốc tế. Điều này cũng sẽ tạo một tiền đề cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó bằng cấp giáo dục Việt Nam có giá trị và được công nhận tại nhiều quốc gia, giúp học sinh có thể du học thành công đến nhiều trường đại học hàng đầu thế giới.

Những bài học kinh nghiệm

Việc tham gia kiểm định chất lượng, nhất là kiểm định quốc tế là một quá trình khó khăn, tốn kém và cần sự đồng thuận về con người, cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian… nhưng đây là xu thế tất yếu, buộc các trường phải tham gia để góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. 

Ông Đàm Quang Minh chia sẻ những bài học kinh nghiệm về rào cản mà các trường có thể sẽ gặp phải nếu tham gia kiểm định quốc tế. Ông cho biết, ngoài vấn đề về chi phí, cơ sở vật chất, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất sau khi kiểm định là con người, nhưng rào cản lớn nhất trong quá trình kiểm định cũng là con người. Chỉ cần thiếu sự quyết tâm, cam kết thực hiện từ chính ban lãnh đạo nhà trường, nguồn nhân lực để triển khai hoạt động kiểm định còn quá mỏng, thiếu kinh nghiệm hoặc khó thay đổi những thói quen dạy & học từ nhiều năm. 

Là tổ chức tiên phong, EQuest cũng sẵn sàng chia sẻ các bài học kinh nghiệm về kiểm định với các tổ chức/ đơn vị, với mong muốn sẽ có thêm nhiều trường tại Việt Nam tham gia kiểm định để chuẩn hóa các quy trình, tiêu chuẩn, từ đó góp phần nâng tầm chất lượng giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế. 

Bài viết được đăng tải trên báo in Giáo dục & Thời đại, chuyên đề 20/11, ra ngày 12/11/2023.

TIN TỨC KHÁC