Những bài học về cải tổ doanh nghiệp sau M&A

Trong khuôn khổ môn học Phân tích Tài chính, mới đây các học viên Thạc sĩ Chính sách công khóa 2023 (MPP2023) của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) có cơ hội được tham dự buổi thỉnh giảng của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Nhà đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục EQuest, về chủ đề cải tổ doanh nghiệp sau mua bán và sáp nhập (M&A).

TS. Nguyễn Quốc Toàn từng là thành viên góp vốn (partner) và lãnh đạo mảng tư vấn doanh nghiệp (chiến lược, sáp nhập, mua bán doanh nghiệp, định giá và rà soát doanh nghiệp), tại tập đoàn EY Việt Nam. Khi đầu tư vào giáo dục, ông Toàn và các đồng nghiệp tại EQuest cũng tiến hành mua lại các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục như một phần của danh mục kinh doanh. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn chiến lược và tài chính, ông mang đến buổi thỉnh giảng những bài học lý thuyết và trải nghiệm thực tiễn nhằm giúp các học viên MPP2023 có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về những vấn đề về chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp sau khi được sáp nhập và mua lại.

Nhìn lại bài học từ rất nhiều doanh nghiệp đã thành công và thất bại ở Việt Nam, từ doanh nghiệp nhà nước cho đến doanh nghiệp tư nhân, một điều dễ nhận thấy đó là tầm quan trọng của người đứng đầu doanh nghiệp (CEO), người đứng sau mọi quyết định liên quan đến sự sinh tồn của doanh nghiệp. TS. Nguyễn Quốc Toàn cho rằng những CEO càng thành công và được nhiều người ca ngợi càng dễ mắc phải “bẫy thành công” (success trap): họ sẽ rơi vào trạng thái “ảo tưởng” và cho rằng mình có thể làm được mọi thứ. Nhìn vào sự sụp đổ của các doanh nghiệp nhà nước như Vinashin hay sự suy thoái của nhiều tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp tư nhân có thể nhận ra một lý do đó là sự đầu tư dàn trải khiến người lãnh đạo rơi vào trạng thái mà trí óc bị chia sẻ và mất tập trung. “Không ai có đủ năng lượng và năng lực để đưa ra quá nhiều quyết định trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau,” ông Toàn bình luận. Khi một CEO cho rằng mình sẽ không bao giờ thất bại, đó chính là bước khởi đầu để dẫn doanh nghiệp tới thất bại.

Từ góc nhìn của một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Toàn đã chia sẻ một số kinh nghiệm mà ông thu thập được từ quá trình tư vấn cũng như mua lại một số doanh nghiệp: trước hết là sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của dòng tiền, “phải tiết kiệm tiền bằng mọi giá” (cash is king).

Khi gặp một doanh nghiệp đang khó khăn, muốn cải tổ doanh nghiệp đó thì điều đầu tiên là phải nghĩ ra mọi phương cách để bảo vệ dòng tiền. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam khi gặp khủng hoảng thì đều gặp vấn đề lớn nhất là mất cân đối dòng tiền, nhưng vẫn “đốt tiền” liên tục”. Trong khi đó, giống như một người bị chảy máu thì điều đầu tiên phải làm là cầm máu,” – TS. Quốc Toàn nhận xét.

Những phương cách để bảo vệ dòng tiền khi cải tổ một doanh nghiệp có khi vô cùng đơn giản, có khi đòi hỏi sự sáng tạo và cả sự “tàn nhẫn”, nhưng đều hướng đến mục tiêu cắt giảm chi phí, tiết kiệm ở mức tối đa. Chẳng hạn, thay vì sử dụng hết 3 tòa nhà làm văn phòng cho nhân viên, thì doanh nghiệp có thể chỉ sử dụng một tòa nhà để cho thuê hai tòa nhà còn lại. Lấy tình huống giả định là hãng hàng không gặp khó khăn về dòng tiền, cách để bảo vệ dòng tiền có khi là những điều nhỏ nhặt như cắt giảm các đồ ăn thức uống, các tiện ích không thiết yếu phục vụ trên máy bay và giảm các chi phí không thực sự tạo ra sự khác biệt, theo TS. Quốc Toàn.

Bên cạnh đó, một nguyên tắc cơ bản khi cải tổ doanh nghiệp là phải nghĩ ra mọi cách, phải làm tất cả mọi việc để có doanh thu, để có nguồn tiền. TS. Quốc Toàn lấy ví dụ trường đại học hay cao đẳng mà EQuest từng đầu tư: trong hoàn cảnh thiếu nguồn tiền, cả giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó… đều phải đi tuyển sinh. Tất cả mọi người  từ lãnh đạo đến nhân viên đều phải suy nghĩ mọi cách nhằm tăng tuyển sinh.

Một điều quan trọng nữa khi tái cấu trúc doanh nghiệp là lựa chọn đúng người phù hợp để tiến hành cải tổ. Người phù hợp trước hết là người chia sẻ chí hướng cùng với mình, đồng quan điểm để hướng tới mục tiêu đạt những thành công nhỏ mang tính khích lệ nhân viên cùng vực dậy một doanh nghiệp, hơn là những người “vẽ” ra rất nhiều thứ to tát nhưng không thực tế trong bối cảnh khó khăn, theo TS. Quốc Toàn. Khi cải tổ doanh nghiệp, người lãnh đạo cũng nên dũng cảm vứt bỏ cái tôi cá nhân, mạnh dạn cắt giảm chi phí, giảm nhân sự, giảm số lượng nhân viên, triển khai rất nhanh những bước cải tổ doanh nghiệp…

TS. Nguyễn Quốc Toàn cho rằng trong bối cảnh thế giới VUCA với nhiều biến động như hiện nay, những doanh nghiệp với những lãnh đạo chấp nhận thay đổi liên tục, chấp nhận học hỏi và có sự khiêm nhường có khả năng sẽ tồn tại được. Có thể sẽ có những lý do khiến doanh nghiệp đó sụp đổ, nhưng nó sẽ nhanh chóng vực dậy.

Một doanh nghiệp có thể tồn tại được là một doanh nghiệp luôn luôn thay đổi. Phần lớn những doanh nghiệp sụp đổ là những doanh nghiệp không thích ứng nhanh được. DNA của bất cứ doanh nghiệp trường tồn nào là sự chấp nhận thay đổi rất nhanh. Chúng ta có thể nhìn vào những doanh nghiệp như Samsung, Nokia, hay Facebook để thấy được điều này,” TS. Quốc Toàn phát biểu.

Nguồn bài viết: Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM)

TIN TỨC KHÁC