Mùa hè cách đây 34 năm là thời gian khó khăn nhất trong tuổi thanh niên của tôi vì hai thất bại lớn. Tôi thi trượt vòng 2 học sinh giỏi văn của tỉnh trong khi một số bạn cùng lớp thi đỗ và sau đó hầu hết đều được giải 3 toàn quốc, vào thẳng đại học sư phạm. Tôi thi vào Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và trượt.
Lúc đó tôi rất buồn vì không đạt được mong muốn và rất hận khi bị mọi người chì chiết hoặc diễu cợt. Tôi cô đơn vì cha mẹ không phải là bạn tâm giao để nói chuyện. Các em tôi còn nhỏ và chúng cũng muốn nhìn lên tôi như một tấm gương. Có lúc tủi nhục, có lúc tức giận, nhưng tôi luôn nghĩ mình có thể tạo ra được sự khác biệt nên quyết tâm thi đỗ đại học bằng được. Tuy nhiên, cũng có những lúc tôi thoáng qua suy nghĩ tiêu cực, nhất là khi bị sỉ nhục. Chính những lúc đó, tôi nhận ra nếu mình không yêu mình thì chả có ai yêu mình, nếu mình không tự bảo vệ mình, tự khẳng định mình thì cũng chẳng có ai có thể làm thay. Nếu đủ tự tin thì hãy khẳng định bằng hành động.
Suốt từ đó đến nay, tôi đã nhiều lần ở trong các tình huống khó khăn, bế tắc. Lớp đại học tiếng Nga của tôi có 21 người thì chỉ có 3 người không học chuyên ngữ cấp III trong đó có tôi và điểm của tôi luôn đì đẹt nhất lớp. Chúng tôi được học tiếng Anh từ năm thứ nhất, khi tôi còn đang tập đánh vần thì các bạn đã xong chương trình tương đương bằng B hoặc C. Hết học kỳ 1 năm thứ nhất, tôi thi tiếng Anh bị điểm 5/10, đứng bét lớp. Háo hức đi Liên Xô học tiếp thì Liên Xô tan rã và cũng tan luôn khả năng sử dụng tiếng Nga khi ra trường để tìm việc.
Đó là những khủng hoảng tưởng chừng như vô phương cứu chữa đối với tôi. Chưa kể đến gia cảnh cũng không thuộc diện khá giả. Vào những lúc bế tắc như thế, tôi đọc lại nhật ký của mình viết từ khi bắt đầu vào cấp 3, tìm thấy con người lạc quan, tự tin vào quyết tâm của mình. Tôi lấy lại được động lực, suy nghĩ tích cực để giải quyết bế tắc.
Khi suy nghĩ tích cực thì tìm được các giải pháp hiệu quả. Với tiếng Anh, tôi đi học lại từ đầu để học cho kỹ hơn và cũng để kiểm tra xem điểm thấp là do học lực hay do chưa học đủ. Kết quả là khi vào năm thứ hai, điểm kiểm tra tiếng Anh cuối kỳ của tôi rất cao, làm kinh ngạc chính giáo viên đã dạy tôi năm thứ nhất. Tôi cũng quyết định chuyển sang lớp khác để học tiếng Đức vì muốn thử xem nếu tôi và các bạn học có cùng một xuất phát điểm thì kết quả sẽ như thế nào. Hóa ra, điểm cao của các bạn chủ yếu là nhờ học trước và học nhiều hơn tôi thôi. Tuy nhiên, đối với tôi như thế vẫn chưa đủ, tôi cần phải tạo ra lợi thế riêng của mình. Thay vì học tiếng Anh giao tiếp, tôi chọn một lĩnh vực hẹp để đọc nhiều hơn, kỹ hơn là văn hóa và lịch sử, cộng thêm chuyên chú đọc mục Tản văn của nhà văn hóa Hữu Ngọc trên tờ Vietnam News. Nhờ những kiến thức về văn hóa bằng tiếng Anh đó mà sau này khi làm hướng dẫn du lịch, tôi luôn được công ty “cưng” nhất và bố trí đi những đoàn đông nhất, khó nhất, quan trọng nhất.
Đến năm thứ 4 tôi lại thi đại học lần nữa, đỗ thủ khoa Khoa Đông Phương học của Đại học Tổng hợp Hà Nội và chọn chuyên ngành Trung Quốc học. Tất nhiên là học tiếng Trung. Tất cả những nỗ lực và phương pháp của tôi đã đem lại kết quả tích cực. Điểm của tất cả các môn tôi học đều khá và giỏi. Cuối năm thứ 4 tôi được chọn là 1 trong 5 sinh viên tiêu biểu của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội nhận học bổng Nguyễn Trường Tộ của quỹ thiện nguyện VnHelp tại Mỹ. Lúc đó, cùng với thời khóa biểu học dày đặc là thời khóa biểu dạy thêm dày đặc, giúp tôi kiếm được khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng trong khi học bổng của tôi hồi đó chỉ được 37.000 đồng/tháng.
Một điều quan trọng giúp tôi làm được nhiều điều trong lúc đi học đó là tôi ở gần những người bạn tốt. Các bạn trai học cùng lớp tôi đều là những người học giỏi và tử tế, là nguồn động viên khích lệ, cảm hứng cho tôi học tập. Chúng tôi vẫn là bạn tốt cho đến tận bây giờ. Thứ hai là tôi luôn tìm cảm hứng học tập từ những người giỏi. Tôi đã đi “học ké” các bài giảng của Giáo sư Trần Quốc Vượng và Giáo sư Hà Văn Tấn tại Lớp Sử K34 trường Đại học Tổng hợp và có thêm vô cùng nhiều cảm hứng, động lực để học lịch sử và ngoại ngữ.
Từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, tôi đã chuyển việc nhiều lần, không phải công việc nào cũng phù hợp với chuyên ngành đã học, nhưng tôi trụ được và tiến bộ hoàn toàn nhờ vào sự chăm chỉ và tự học, đặc biệt là học các kỹ năng mà công việc cần.
Tôi viết lại những điều này để chia sẻ với các bạn học sinh vừa thi xong PTTH và thi vào Đại học cùng các bạn sinh viên rằng thành công hay thất bại, lợi thế hay bất lợi không phải là mãi mãi. Điều quan trọng là thái độ của chúng ta trước thành công và thất bại. Nếu tự mãn trước thành công sẽ không làm bạn tiến bộ hơn nữa, thì suy nghĩ tích cực khi thất bại sẽ có cơ hội thành công. Tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng điểm số, tấm bằng không phải là mục đích cuối cùng và là mục đích quan trọng nhất của việc học. Cần nhất ở chúng ta là kỹ năng, tri thức, khả năng thích ứng với yêu cầu của công việc và cuộc sống đang biến đổi ngày càng nhanh chóng. Tôi cũng tin rằng chế độ tuyển dụng dựa trên năng lực ngày càng trở nên phổ biến sẽ chấm dứt việc học chỉ để lấy bằng cấp và cổ vũ cho thực học để lấy kỹ năng, tri thức.
Tôi cũng muốn gửi gắm tới các bậc cha mẹ đang có con đi học rằng khi làm con chúng ta ghét cái gì thì khi làm cha mẹ nên tránh cho con mình cái đó. Chúng ta đã từng là nạn nhân của việc học gạo, học lấy thành tích, thỏa sĩ diện thì hãy để con cái chúng ta học để có kỹ năng, học để vui sống và chấp nhận những gì con mình làm được hoặc không làm được.
Thời đại của con cái chúng ta sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với thời của chúng ta. Các cháu sẽ phải làm nhiều nghề khác nhau, học nhiều kỹ năng khác nhau để làm tốt một nghề và phải có khả năng thích ứng với thay đổi liên tục. Cũng vì thế mà giáo dục thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ sang dạy kỹ năng qua các khóa học ngắn hạn thay vì cả chương trình học dài 4-5 năm.
Tôi tin là nền giáo dục Việt Nam sẽ điều chỉnh, tiếp thu các thực tiễn tốt trong giáo dục ở các nước tiên tiến trên thế giới trong việc dạy, học và thi cử để chúng ta sớm có một nguồn nhân lực đủ khả năng sống, làm việc, thành công ở khắp nơi trên địa cầu này.
Tác giả: Ông Bạch Ngọc Chiến là thạc sĩ quan hệ ngoại giao tại Đại học Monash, Australia. Khởi nghiệp là giáo viên tiếng Anh, rồi làm hướng dẫn viên du lịch, ông Chiến từng công tác tại Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam. Năm 2014, ông luân chuyển về địa phương giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Tháng 7/2019, ông được chỉ định tham gia ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch tổ chức này. Tháng 7/2020, ông Chiến xin thôi công tác, chuyển ra khu vực tư nhân làm Phó Chủ tịch Tổ chức Giáo dục EQuest. |
Bài viết gốc: Facebook Bạch Chiến và Dân trí