Ông Bạch Ngọc Chiến: Sử dụng công nghệ trong giáo dục sẽ giúp hạ giá thành trong đào tạo

Chuyển đổi số trong giáo dục vẫn là xu hướng tất yếu vì những ưu điểm vượt trội như tiện lợi, tiết kiệm cho học sinh và phụ huynh về thời gian và tiền bạc.

Sau thời gian dài học trực tuyến học sinh quay lại học trực tiếp, nhiều nơi gần như đã quên việc áp dụng công nghệ vào dạy học.

Chính điều này đặt ra nhiều lo lắng trong việc chững lại việc áp dụng công nghệ trong đào tạo giáo dục vốn đã nở rộ trong thời gian dài dịch COVID-19.

Xung quanh chủ đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Bạch Ngọc Chiến – Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hiện công tác tại Tổ chức Giáo dục EQuest.

Ông Bạch Ngọc Chiến cùng đồng nghiệp.

Thưa ông, hiện nay dịch COVID-19 tạm thời đã được khống chế, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ông đánh giá điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này?

Giáo dục là một ngành quan trọng bậc nhất cần phải hoạt động kể cả trong thời chiến tranh và dịch bệnh. Khi COVID-19 bùng phát, các đơn vị thành viên của EQuest đã nhanh chóng thích ứng và chuyển sang các hình thức dạy và học khác, chủ yếu là trực tuyến.

Ưu tiên cao nhất trong thời kỳ này là học sinh không bị gián đoạn việc học và tạo hứng thú học trực tuyến cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Việc quay trở lại học bình thường là tin vui cho tất cả mọi người, đặc biệt là học sinh và phụ huynh. Đối với EQuest, kết thúc dịch là dịp để rút kinh nghiệm và tiếp tục điều chỉnh để có thể thích ứng với mọi tình huống. 

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Theo ông, xu hướng số hóa này có bị ngưng trệ khi việc học tập trở lại trạng thái bình thường mới hay đây vẫn là xu thế tất yếu trong giáo dục hiện nay?

Do thời gian giãn cách kéo dài, học sinh quá tải với học trực tuyến và phương thức giảng dạy trực tuyến có nơi chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả khiến dư luận giảm bớt sự chú ý tới ưu thế của chuyển đổi số.

Dù đã quay trở lại học trực tiếp thì chuyển đổi số trong giáo dục vẫn là xu hướng tất yếu vì những ưu điểm vượt trội như: tiện lợi, tiết kiệm cho học sinh và phụ huynh về thời gian và tiền bạc và tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc tự học.

Đối với nhà trường và nhà quản lý ứng dụng công nghệ sẽ giúp quản lý hiệu quả mọi hoạt động của nhà trường, đặc biệt là xây dựng kho học liệu số, giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số tạo cơ hội mở rộng quy mô nếu đưa ra giải pháp tối ưu với chi phí hợp lý.

Theo ông, để phát triển bền vững thì các doanh nghiệp trong giáo dục hiện nay nên theo xu hướng như thế nào? Cần có chính sách từ nhà nước ra sao để các công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục phát triển bền vững?

Hiện nay, có khá nhiều công ty công nghệ và nhiều sản phẩm công nghệ giáo dục, tạo cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, cần có một đơn vị độc lập thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng của các sản phẩm công nghệ để có khuyến nghị khách quan với người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp thanh lọc những sản phẩm kém và tạo điều kiện cho những sản phẩm tốt đến được với người tiêu dùng.

Mà sản phẩm công nghệ giáo dục càng được sử dụng nhiều thì giá thành càng hạ xuống, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và cả nhà phát triển công nghệ.

Bài viết gốc: Nhà báo & Công luận

TIN TỨC KHÁC