Thông tin các đại biểu Quốc hội đề xuất nâng mức lương giáo viên lên cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, khiến nhiều thầy cô vui mừng và cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu tình trạng lương giáo viên đang thấp và đề nghị trong lần cải cách tiền lương tới đây nâng mức lương lên cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Trước đề xuất này, nhiều giáo viên thể hiện quan điểm ủng hộ và cho rằng, đề xuất cần được quan tâm và sớm triển khai.
Là một trong số những giáo viên luôn hi vọng tiền lương của nhà giáo được cải thiện, cô Phan Thị Sương – giáo viên Trường Tiểu học – THCS – THPT Albert Einstein (TPHCM) chia sẻ: “Nhận được thông tin từ Quốc hội cùng đề xuất để lương giáo viên ở vị trí cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, tôi rất bất ngờ và mong muốn đề xuất này sẽ được thực hiện sớm”.
Cũng theo cô Sương, hiện nay, mức lương của giáo viên không đủ sống, việc cải cách tiền lương, ưu tiên lương giáo viên xếp ở vị trí cao nhất là điều rất quan trọng, tạo động lực thu hút giáo viên gắn bó với nghề.
“Mức lương của giáo viên nhìn chung còn rất thấp. Trong đó, mức lương giáo viên mầm non mới ra trường chỉ trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng. So với các công nhân làm việc tại các nhà máy, lương của họ còn cao gấp 2 lần lương giáo viên” – cô Sương nhận định.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2022 – 2023, làn sóng giáo viên nghỉ việc ở các trường công lập vẫn có chiều hướng tiếp diễn. Trong 19.300 giáo viên nghỉ thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ.
Bàn về con số 9.295 giáo viên nghỉ việc, cô Đặng Thị Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) cho rằng, một trong số nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc xuất phát từ đồng lương còn hạn chế.
“Nhiều lí do để dẫn tới quyết định nghỉ việc của giáo viên: Áp lực công việc, chính sách đãi ngộ, lương, phụ cấp không đáp ứng,…
Với mức lương hiện tại của nhà giáo nói chung thì thật sự vẫn còn quá chật vật so với đời sống sinh hoạt trong thời kỳ giá cả, dịch vụ,… gia tăng. Bên cạnh đó, áp lực từ nhiều phía lại tỉ lệ nghịch với đồng lương” – cô Quyên nói.
Cô Quyên cho rằng, để giáo viên sống hạnh phúc, yên tâm công tác thì việc tăng lương hiện nay là điều đúng đắn.
“Bất cứ giáo viên nào cũng mong muốn được tăng lương. Kể từ khi thực hiện tăng lương cơ sở ngày 1.7, lương giáo viên mầm non vẫn ở mức thấp nhất so với các bậc học khác. Do đó, được đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng lương, hầu hết các giáo viên đều trông chờ và khát khao điều này sớm thành hiện thực” – cô Quyên bày tỏ.
Bài viết gốc Lao động