GDVN – TS Đàm Quang Minh: EQuest theo đuổi con đường cống hiến cho xã hội – chúng tôi muốn đào tạo ra 1 thế hệ tương lai có thể đóng góp nhiều cho cộng đồng và đất nước.
0 nhân sự đa quốc gia như hiện tại. Nhân dịp Tết đến, Xuân về, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đàm Quang Minh – Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest, chia sẻ về triết lý giáo dục và sứ mệnh phụng sự, cống hiến cho cộng đồng.
“Hướng đến lợi ích của một điều gì đó vĩ đại hơn bản thân mình”
Phóng viên: Đến với giáo dục từ rất sớm, trải qua rất nhiều năm với nhiều đơn vị giáo dục khác nhau, điều gì khiến anh vẫn luôn nhiệt huyết và không bao giờ ngừng nỗ lực?
Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Thực tế tôi nhận thấy, càng làm về giáo dục, chúng ta sẽ càng cảm thấy gắn bó. Càng gắn bó lâu, càng thấy việc làm của mình có ý nghĩa, càng cảm thấy giá trị của mình được tăng lên. Ai cũng cần có một công việc, nhưng làm việc trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta sẽ được gấp nhiều lần giá trị: Thứ nhất, chúng ta có việc làm; thứ hai, công việc này có giá trị và đem lại giá trị cho cộng đồng; thứ ba, giáo dục là một trong những nghề được tôn trọng nhất, như người ta vẫn nói “nghề của những nghề cao quý”…
Lĩnh vực giáo dục có một nguồn năng lượng khiến những người làm ở đó ngày càng cảm thấy gắn bó hơn, bởi hơn hết, đó là một ngành nghề mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho mỗi gia đình, các em học sinh, sinh viên.
Phóng viên: Điều gì ở một tổ chức khiến ông cảm thấy muốn đồng hành và cống hiến?
Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Tôi xin nói một chút về mô hình PERMA của nhà tâm lý học Martin Seligman (Hoa Kỳ) – “cha đẻ” của tâm lý học tích cực, cũng là mô hình mà các hệ thống Trường học Hạnh phúc ở Tập đoàn EQuest đang theo đuổi. Ở đó, Seligman có nêu ra triết lý về con đường đi tìm kiếm những giá trị tạo nên hạnh phúc lớn, thay vì chỉ tập trung vào hạnh phúc cá nhân. Seligman tiên phong trong việc tìm kiếm ý nghĩa của việc hướng đến lợi ích của một điều gì đó vĩ đại hơn bản thân mình. Với tôi, giáo dục nói chung cũng nên mang một triết lý như vậy.
Khi đến với EQuest, tôi tìm thấy một điều đáng quý ở tất cả những người ở đây là mọi người luôn đồng lòng với một quan điểm, là giáo dục cần sự đa dạng và bình đẳng. EQuest phụng sự con đường cống hiến cho xã hội, đồng nghĩa với việc chúng tôi muốn đào tạo ra một thế hệ tương lai sau này có thể cống hiến nhiều cho cộng đồng và cho đất nước.
Dựa trên mô hình PERMA đó, vừa qua, một số đơn vị trường học thành viên đã làm khảo sát về mức độ gắn kết, mức độ hạnh phúc của các thầy cô, kết quả rất đáng khích lệ. Theo thang điểm này, các trường của EQuest đạt 51,7 điểm, trong khi đó, điểm trung bình của hệ thống là 17,1 điểm, tức là các trường đạt mức đánh giá lành mạnh rất cao. Đó là một tín hiệu mừng cho những nỗ lực trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, và khiến chúng tôi thêm vững tâm trên hành trình mình đang theo đuổi.
Phóng viên: Xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển, sự phân hóa giàu nghèo cũng từ đó mà diễn ra mạnh hơn. Với cá nhân ông, làm thế nào để rút ngắn những khoảng cách này trong giáo dục, để việc bình đẳng được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn?
Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Theo tôi, cơ hội giáo dục cần bình đẳng và công bằng. Để làm được điều này, tôi cho rằng, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần sự quyết tâm cao và đồng hành của giáo dục tư nhân. Chúng tôi luôn mong muốn triển khai những chương trình với mức chi phí hợp lý, nhưng song hành với đó cũng đòi hỏi phải có chất lượng tốt nhất để nhiều người có thể thụ hưởng giáo dục tốt nhất có thể. Để làm được điều này, chúng ta có thể tối ưu các công tác vận hành, chuyển đổi số giáo dục, có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu vùng xa.
Đồng thời, để triển khai được trên diện rộng, cần tối ưu hóa và cách triển khai thông minh trong từng hạng mục nhỏ, tiết kiệm tối đa cũng như đầu tư tập trung tất cả các chi phí vào mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng dạy và học. Một yếu tố quan trọng nữa là liên tục áp dụng công nghệ mới trong quá trình dạy và học để đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.
Đơn cử như trong thời gian qua, chúng tôi vừa thực hiện dự án iLINK (chương trình dạy tiếng Anh qua Toán và Khoa học theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp) tại Mù Cang Chải (Yên Bái) – một vùng rất nghèo khó, có điều kiện vô cùng khó khăn. Chỉ với 1 giáo viên tại Hà Nội và hệ thống bài giảng số cùng sự hỗ trợ của giáo viên địa phương, hơn 4.000 học sinh đã được tiếp cận chương trình học tiếng Anh qua Toán và Khoa học như các bạn ở thành phố.
Phóng viên: Trong giá trị cốt lõi của EQuest có yếu tố “nhân rộng”, trong đó nhấn mạnh: “Những gì chúng tôi đã, đang và sẽ triển khai phải thực sự hiệu quả, đem lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và xã hội và quan trọng nhất là có thể nhân rộng mô hình để mang đến lợi ích cho số đông”. Sứ mệnh của EQuest trong suốt 20 năm qua đã góp phần thực hiện định hướng trên như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Đàm Quang Minh: EQuest luôn luôn đặt giá trị cốt lõi là tính “nhân rộng” và giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng. Muốn làm được như vậy, buộc phải có chi phí hợp lý, thậm chí là chi phí thấp để có thể triển khai được tới càng nhiều khu vực càng tốt, kể cả vùng sâu vùng xa, cùng đồng bào cực kỳ khó khăn.
Nhiệm vụ đó là thách thức lớn, bởi chúng ta đều biết rằng, chất lượng đôi khi phải đòi hỏi mức chi phí lớn.
Tuy nhiên, EQuest vẫn luôn tìm ra mọi cách để tối ưu hóa, sử dụng công nghệ triệt để, giảm chi phí.
Và hành trình ấy lại rất thuận lợi trong tương lai, với tốc độ phát triển công nghệ rất nhanh như hiện nay (với Trí tuệ nhân tạo AI, với Chat GPT)… Chúng tôi tin chắc rằng, sẽ có rất nhiều phương pháp nâng cao hiệu quả tốt hơn, tốt hơn nữa để có chi phí hợp lý.
Phóng viên: Là một tập đoàn có sự phát triển nhanh chóng, EQuest trở thành một trong những tập đoàn giáo dục lớn tại Việt Nam, đặc biệt sau khi nhận đầu tư từ quỹ KKR (Mỹ). Đó có phải một trong những “bí quyết” của sự phát triển không, thưa ông?
Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Nói đó là bí quyết, cũng đúng! Tuy nhiên, thực ra, đó là một hành trình kiên nhẫn và nỗ lực thì chính xác hơn. Bởi, nghĩ được, nói được thì có nhiều, nhưng để hiện thực hóa, phải cần có sự kiên định, kiên trì theo đuổi một cách quyết liệt. Cho đến hiện tại, chúng tôi tự hào vì EQuest đã kiên trì không mệt mỏi trên hành trình đó trong suốt 20 năm qua.
Giáo dục tư thục hay giáo dục công lập đều hướng đến mục tiêu phát triển con người
Phóng viên: Là người có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với giáo dục, đặc biệt là giáo dục tư thục, ông có chia sẻ gì về vai trò của giáo dục tư thục trong nền giáo dục của Việt Nam nói chung?
Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Có thể thấy, giáo dục tư thục nói chung có hai vai trò lớn nhất:
Thứ nhất là cung cấp những giá trị khác biệt bên cạnh các giá trị truyền thống của giáo dục công lập. Trong xã hội hiện nay, nhu cầu về giáo dục, nhu cầu phát triển cá nhân rất đa dạng, và giáo dục tư thục đã đóng góp rất lớn trong việc phát triển tính đa dạng, khác biệt đó.
Đặc biệt, giáo dục tư thục còn góp phần tăng sức cạnh tranh của các địa phương trong phát triển xã hội nói chung. Ví dụ như ở một số lĩnh vực chuyên sâu đòi hỏi những sự đào tạo chuyên biệt hơn như các chương trình quốc tế, các chương trình đòi hỏi sự chăm sóc cao cấp hơn, toàn diện hơn hay cần yếu tố đột phá… thì giáo dục tư thục có đóng góp khá lớn ở vai trò này.
Vai trò thứ hai của khối tư thục đó là tăng tính cạnh tranh của nền giáo dục và giảm tải cho giáo dục công lập. Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, giáo dục tư thục vẫn đang nắm một vai trò vô cùng quan trọng, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong hệ thống giáo dục. Trong các cấp học, đóng góp nhiều nhất cho giáo dục tư thục chính là cấp mầm non, với khoảng hơn 50% cơ sở giáo dục ngoài công lập; kế đến, giáo dục đại học thì số lượng trường chiếm khoảng 30%, số lượng sinh viên khoảng 18%. Đây là những con số đáng kể.
Đối với khối giáo dục phổ thông, trong những năm gần đây, vai trò của hệ thống giáo dục phổ thông tư thục cũng đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng. Chúng tôi có thể tự hào kể đến một vài “điểm sáng”, như Hệ thống Giáo dục Ngôi Sao, Hệ thống Trường liên cấp Newton, Hệ thống Giáo dục Alpha…, luôn luôn là những trường tốt nhất và được phụ huynh lựa chọn nhiều nhất. Ngoài thành tích trong học tập, thành tích về thể thao, âm nhạc cũng như các hoạt động khác của học sinh ở hệ thống các trường tư thục cũng ngày càng tăng.
Hiện nay, mặc dù sự nhìn nhận và đánh giá về vai trò của giáo dục tư thục ở Việt Nam vẫn đang ở mức khá khiêm tốn, nhưng tôi tin, trong thời gian tới, giáo dục tư thục sẽ còn được nhìn nhận cao hơn nữa, sẽ đóng quan trọng hơn nữa trong việc đồng hành với giáo dục công lập.
Phóng viên: Trước đây, ông từng nói: “Trong định hướng sắp tới, sự phân biệt công tư cần phải được gỡ bỏ”. Chúng ta cần lưu ý những gì để tiến đến đạt được điều đó, thưa ông?
Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Hiện nay, ở rất nhiều quốc gia tiên tiến, hầu như đã không còn sự phân biệt trường công hay trường tư, mà chỉ có sự hỗ trợ một cách bình đẳng cho người học.
Ví dụ, một học sinh được hỗ trợ một số tiền, cho dù có học trường công hay trường tư, bạn ấy cũng sẽ được hỗ trợ số tiền giống nhau. Thậm chí, nhiều quốc gia trên thế giới, các gói nghiên cứu, đặt hàng cũng không có phân biệt trường công hay trường tư, đặc biệt trong giáo dục đại học và giáo dục nghề.
Trên thực tế, giáo dục tư thục hay giáo dục công lập đều có vai trò như nhau, đều giúp cho một học sinh phát triển tốt nhất, trở thành những công dân tốt, có việc làm, có đóng góp cho xã hội… cơ bản là đều hướng đến sự phát triển của một con người.
Vì vậy, tôi cho rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước nói chung đối với hệ thống công lập hay tư thục cũng nên bình đẳng, để tạo ra hiệu quả cuối cùng là công bằng tới người học. Nếu chúng ta có thể hỗ trợ tập trung vào người học thay vì tài trợ trực tiếp cho nhà trường, thì vai trò của giáo dục công lập hay giáo dục tư thục sẽ bình đẳng hơn.
Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia đặt mục tiêu và chấp nhận những đầu tư nước ngoài cho giáo dục. Cùng với sự mở cửa đó, chúng ta cũng nên có một thái độ cởi mở đối với giáo dục tư thục. Khi giáo dục tư thục phát triển tốt, chắc chắn sẽ đem lại những giá trị lớn, góp phần vào sự phát triển chung của toàn bộ nền giáo dục.
Phóng viên: Trong vai trò một đơn vị giáo dục tư nhân, trong 20 năm qua, EQuest đã góp phần thực hiện định hướng trên như thế nào?
Tiến sĩ Đàm Quang Minh: Có thể nói rằng, trong những năm qua, với số lượng 25 đơn vị thành viên, EQuest đã trực tiếp đào tạo hàng chục nghìn học sinh tại hệ thống trường của mình và gián tiếp qua công nghệ giáo dục đã đào tạo hàng trăm nghìn học sinh, giúp các bạn tự tin hơn, có năng lực tiếng Anh tốt hơn…
Tuy nhiên, chúng tôi chỉ dám nhận là đang “đồng hành”,đồng hành cùng giáo dục Việt Nam mang đến những môi trường giáo dục tốt nhất đến nhiều học sinh nhất có thể. Trên hành trình đó, EQuest đang đồng hành rất sát với những đường lối chính sách, chủ trương chung về phát triển giáo dục trong thời gian vừa qua và sẽ tiếp tục đồng hành trong những giai đoạn tiếp theo.
EQuest có một lợi thế là đội ngũ chuyên gia được đào tạo và trưởng thành từ những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Mong muốn lớn nhất của tập đoàn là lan tỏa những giá trị ấy, những kiến thức, kỹ năng ấy rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam, với độ phủ lớn và chi phí vừa phải.
Tôi thấy đó giống như một sứ mệnh!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tiến sĩ Đàm Quang Minh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong giáo dục, ông được biết đến như một chuyên gia tái cấu trúc và đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học. Ông từng là Hiệu trường đại học trẻ tuổi nhất Việt Nam ở tuổi 35. Ông Minh tốt nghiệp Chương trình đào tạo Cử nhân Khoa học tài năng K1, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Trái Đất của Trường Đại học Tổng hợp Greifswald, Đức. Hiện tại, ông Đàm Quang Minh là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Giáo dục EQuest. |
Bài viết gốc trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.