TS. Phạm Hùng Hiệp nhận giải Nhà nghiên cứu xuất sắc về quốc tế hóa giáo dục 2022

TS. Phạm Hùng Hiệp là 1 trong 4 nhà khoa học nhận giải thưởng thường niên của Hiệp hội Giáo dục So sánh và Quốc tế – Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế năm 2022.

Ngày 19/04/2022, Hiệp hội Giáo dục So sánh và Quốc tế (Comparative and International Education Society CIES) – Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (The Study Abroad and International Student SAIS) đã công bố giải thưởng thường niên 2022.

Theo đó, trong số 4 công trình/ nhà khoa học được vinh danh, có một đại diện Việt Nam, đó là TS. Phạm Hùng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục thuộc Trường Đại học Phú Xuân; Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia.

TS. Phạm Hùng Hiệp là đại diện Việt Nam nhận giải thưởng thường niên của Hiệp hội Giáo dục so sánh và quốc tế – Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế năm 2022. (Ảnh: Ngọc Ánh)

TS. Phạm Hùng Hiệp được nhận giải thưởng “Nhà nghiên cứu xuất sắc về quốc tế hóa giáo dục” (Outstanding Faculty for Internationalization Award) nhờ những đóng góp tích cực trong nghiên cứu và thúc đẩy sự di động của sinh viên quốc tế tại từ Châu Á và đến Châu Á từ 2016 đến nay.

Ảnh chụp màn hình lễ công bố của SAIS sáng 20/04/2022 (theo giờ Việt Nam).

Được biết, các công trình của TS Hiệp trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục đã được công bố trên các Tạp chí hàng đầu về khoa học giáo dục nói chung cũng như giáo dục quốc tế nói riêng như Journal of Studies in International Education, Asia Pacific Education Researcher, Scientometrics.

Từ năm 2020, TS. Phạm Hùng Hiệp cũng là thành viên ban biên tập của Journal of International Students (Scopus Citescore 1.8) cũng như một số tạp chí trong nước và quốc tế khác trong lĩnh vực giáo dục.

TS. Phạm Hùng Hiệp cho biết mình bắt đầu quan tâm đến sự di động của sinh viên quốc tế trên toàn cầu từ năm 2012 và trong đề tài luận án tiến sĩ bảo vệ ở Đài Loan cũng như 7 bài báo quốc tế và 2 chương sách sau đó, TS. Phạm Hùng Hiệp đã sử dụng các lý thuyết marketing, quản trị kinh doanh và quản lý dịch vụ để phân tích, lý giải sự di động này.

Từ năm 2018, TS. Phạm Hùng Hiệp chuyển mối quan tâm sang một xu hướng mới nổi của quốc tế hóa giáo dục, đó là dòng chảy sinh viên quốc tế đến châu Á, bao gồm Việt Nam. Ngoài ra, TS. Phạm Hùng Hiệp còn quan tâm đến vấn đề nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài, “một phân khúc còn ít được chú ý, trong khi về ngắn hạn, Việt Nam muốn đào tạo nhân lực cao vẫn phải dựa vào đào tạo ở nước ngoài,” TS. Phạm Hùng Hiệp nói với báo Khoa học và Phát triển. Tuyến bài này đang được triển khai, dù bị chậm lại do dịch COVID-19 làm tắc nghẽn các dòng chảy sinh viên quốc tế, dẫn tới thiếu dữ liệu. Với những nghiên cứu đang tiến hành, TS. Phạm Hùng Hiệp mong muốn đưa ra được những hàm ý chính sách và kiến nghị hữu ích cho nền giáo dục đại học và kinh tế – xã hội Việt Nam, làm sao để “chúng ta gửi người đi du học nhưng không mất người”.

Cũng trong mùa xét giải thưởng năm nay, CIES-SAIS còn trao giải ở một số hạng mục khác như: Luận văn xuất sắc (Natalie Cruz, Charleston Southern University), Bài báo xuất sắc (TS. Melissa Whatley, School of International Training và TS. Santiago Castiello-Gutierrez, University of Arizona), Sách chuyên khảo hay (QianQian Zhang-Wu, Northeastern University), Sinh viên lãnh đạo toàn cầu (Saurabh Anand, University of Georgia).

Được biết, Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (The Study Abroad and International Student – SAIS) được thành lập năm 2017, là một bộ phận của Hiệp hội Giáo dục So sánh và Quốc tế (Comparative and International Education Society CIES), được thành lập năm 2017 tại Hoa Kỳ.

Mạng lưới có sứ mạng thúc đẩy các cơ hội trao đổi học thuật liên ngành nhằm kết nối các nhà thực hành và nghiên cứu trong lĩnh vực sinh viên quốc tế, qua đó góp phần phục vụ tốt hơn cộng đồng sinh viên quốc tế toàn cầu.

Nguồn bài viết: Tạp chí Giáo dc VN, Khoa học & Phát triển

TIN TỨC KHÁC