Theo ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Tập đoàn EQuest, việc dạy học trực tuyến đang có những thay đổi về chất, định nghĩa lại nhiều vấn đề giáo dục như vai trò của người thầy, mô hình trường học, đặc biệt giúp người học tiếp cận giáo dục một cách linh hoạt, chi phí thấp.
Dạy học trực tuyến đang thay đổi về chất
Trong khi nhiều người đang phân vân về chất lượng dạy học trực tuyến. Mới đây nhất, vấn đề này trở thành chủ đề sôi động trên nghị trường Quốc hội.
Âm thầm nắm bắt thời cơ, nhiều doanh nghiệp giáo dục Việt Nam đang từng bước nỗ lực, cải tiến công nghệ để vươn lên làm chủ hình thức dạy học hiện đại này. Câu chuyện đến từ Tập đoàn EQuest là một ví dụ.
Đại dịch COVID-19 mang đến thử thách vô cùng lớn đối với giáo dục, trong đó với giáo dục ngoài công lập thì khó khăn càng nhân lên gấp bội.
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Tập đoàn EQuest chia sẻ rằng, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hoạt động của mọi doanh nghiệp giáo dục trong đó có doanh nghiệp nơi ông công tác.
Đơn cử như chi nhánh iSMART Hà Nội (một thành viên của EQuest) đang dạy học ở 92 trường phổ thông thì khi các trường nghỉ học nên phải dừng lại. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp đối mặt với việc không có công việc cho giáo viên, không có doanh thu trong khi bắt buộc các bộ phận phải làm sao giữ được người, không để mất người.
“Đây là bài toán của tất cả các doanh nghiệp” – ông Bạch Ngọc Chiến chia sẻ. Trước thực tế khó khăn như vậy, doanh nghiệp này đã tự đặt ra bài toán làm sao tăng cơ hội cho học sinh học tập nhưng không tăng thêm chi phí gánh nặng cho gia đình và tạo nhiều việc làm thường xuyên cho cán bộ, nhân viên.
Vì thế, doanh nghiệp nơi ông Bạch Ngọc Chiến công tác đã mạnh mẽ chuyển đổi số với quyết tâm nếu đưa dạy học trực tuyến lên tầm mới, có tính chuyên nghiệp, đạt quy mô lớn sẽ giảm được chi phí cho người học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh có bố mẹ thu nhập thấp cũng tiếp cận được với giáo dục chất lượng cao.
“Nhờ có COVID-19 mà hệ thống giáo dục đều thấy tầm quan trọng của nền tảng số để dạy và học trực tuyến. Đây chính là quy luật cùng tắc biến” – ông Bạch Ngọc Chiến nhấn mạnh.
Ngay từ năm 2020, doanh nghiệp này đã tính đến việc xây dựng các khóa học trực tuyến ở quy mô lớn để đảm bảo vấn đề doanh thu và giảm chi phí cho học sinh.
Chỉ sau thời gian ngắn, đến năm 2021 doanh nghiệp này đã có những khóa học với cách tổ chức linh hoạt, liên tục, học sinh có thể đăng ký học nhiều khung giờ khác nhau.
Theo ông Bạch Ngọc Chiến: “Nếu học sinh nhỡ buổi nào thì có thể vào học buổi khác thay thế. Như đi tàu, lỡ chuyến này có chuyến khác. Với công nghệ như hiện nay, lớp học có thể tổ chức ở quy mô lớn trên 500 học sinh.
Với quy mô như vậy, chi phí cho buổi học rất thấp, phù hợp cho tất cả mọi người”.
Nhờ công nghệ số mà cách tổ chức dạy học đã thay đổi hoàn toàn. Nếu trước đây muốn triển khai dạy học ở đâu thì phải có giáo viên cơ hữu vào giảng dạy nhưng giờ mô hình trường học trực tuyến thì học sinh có thể ở bất cứ đâu và giáo viên bản ngữ đang ở nước ngoài cũng có thể dạy học sinh ở Việt Nam.
“Dạy học trực tuyến không cần cơ sở vật chất hay địa điểm cụ thể nữa và chúng tôi tin đây là hướng đi tốt” – ông Bạch Ngọc Chiến nhận định về những ưu điểm của dạy học trực tuyến.
Cũng theo ông Bạch Ngọc Chiến, dạy học trực tuyến là giải pháp quan trọng nhất cho cả nền giáo dục.
Việc này, không chỉ dừng lại ở chuyện giải quyết chương trình học hiện thời mà nó mở ra cơ hội giúp mọi người tự học, tự phát triển bản thân.
Học trực tuyến đảm bảo câu chuyện chi phí, tiện lợi và tính thích ứng với hoàn cảnh vừa chống dịch vừa nâng cao năng lực bản thân.
Với người có khả năng tự học người ta chỉ cần một vài cú nhấp chuột có thể đăng ký khóa học trực tuyến trong nước, ngoài nước. Nếu chúng ta luyện được thế hệ trẻ có khả năng tự học thì học trực tuyến là cách học hữu ích.
Vị này còn cho rằng, hướng đi sắp tới chắc chắn chuyển đổi số mạnh mẽ hơn và điều quan trọng hiện nay là câu chuyện xây dựng phương pháp dạy phù hợp.
“Nhiều nơi quay bài giảng đưa lên tivi, youtube nhưng đây không phải là học trực tuyến. Mà việc học trực tuyến phải có sự tương tác của người học và người dạy.
Trong 2 năm qua giáo viên tự mày mò, thích ứng với dạy trực tuyến nhưng sau này cần phải đào tạo bài bản và cần có nền tảng chuẩn để phát triển” – ông Bạch Ngọc Chiến nêu vấn đề.
Việt Nam cần có nền tảng riêng cho dạy học trực tuyến
Một trong vấn đề mà ông Bạch Ngọc Chiến quan tâm chính là việc các nền tảng lớn về dạy trực tuyến là của người nước ngoài, thiếu nền tảng do người Việt mình làm chủ, có chất lượng tốt.
Với nguồn lực của doanh nghiệp Việt rất khó để cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. Để có nền tảng dạy học trực tuyến cho người Việt thì các cấp có thẩm quyền về công nghệ phải hỗ trợ doanh nghiệp.
“Hiện nay, về mặt công nghệ dạy học trực tuyến của mình không bằng nước ngoài trong khi nhân lực và nguồn lực của Việt Nam có thể làm được” – ông Chiến băn khoăn.
Ông Chiến cho rằng, hiện nay nhiều công ty đều có giải pháp, nhưng tất cả chỉ là giải pháp cá nhân, riêng lẻ thiếu một cái tổng thể.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì nguồn lực tư nhân không thể nào sánh bằng nguồn lực nhà nước .
Nhà nước nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tính toán, hỗ trợ và có chính sách nào đó cho việc tạo ra nền tảng dạy học trực tuyến ở tầm quốc gia chứ không phải là các sản phẩm dạy học trực tuyến đơn lẻ, nhỏ nhỏ.
“Nếu không có nền tảng riêng về dạy học trực tuyến chúng ta sẽ phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, câu chuyện ở đây khi dùng công nghệ nước ngoài, các dữ liệu kiểu gì nước ngoài họ cũng kiểm soát.
Những công ty đa quốc gia họ có nguồn lực quá lớn, đưa ra ưu đãi hấp dẫn nên đã bóp chết các doanh nghiệp nhỏ, khó chen chân.
Do đó, trong lĩnh vực này cần có sự hợp tác liên ngành. Hiện một số nước đang tìm cách thoát khỏi công nghệ dạy học của nước ngoài. Câu chuyện này chúng ta cần suy ngẫm để tránh bị lũng đoạn” – ông Bạch Ngọc Chiến nêu ý kiến.
Qua trao đổi với ông Bạch Ngọc Chiến có thể thấy dạy học trực tuyến đang phát triển ở tầm vóc mới, mở ra nhiều cơ hội cho người học. Nhu cầu hiện nay cần có một nền tảng dạy học trực tuyến đủ mạnh cho người Việt dùng để tự chủ.
Trinh Phúc
Nguồn: Báo Công Luận