“Thật tuyệt vời khi hệ thống giáo dục tại Việt Nam ở Trường Phổ thông Liên cấp Newton Vĩnh Phúc cũng có những phương pháp giáo dục tương đồng như chúng tôi” – diễn giả Yoojin Choi (Đồng tác giả cuốn sách Đào tạo nhân cách) chia sẻ.
Với mong muốn chia sẻ về những phương pháp đổi mới của giáo dục hiện đại, cùng những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về đào tạo nhân cách, giúp học sinh nhận thức đúng đắn về phẩm chất, đạo đức; xây dựng trường học lành mạnh, hạnh phúc trong cộng đồng các trường học tại Việt Nam; Trường Phổ thông Liên cấp Newton Vĩnh Phúc (thuộc Hệ thống Trường Liên cấp Newton – Thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest) phối hợp với Công ty Xuất bản & Khoa học giáo dục Thời đại (TIMES) tổ chức Hội thảo “Giáo dục bắt đầu từ Nhân cách” với chủ đề “Đào tạo nhân cách trong giáo dục phổ thông – Chia sẻ kinh nghiệm từ các trường hàng đầu của Mỹ”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm đông đảo của hơn 200 quý thầy cô, phụ huynh, học sinh cùng những nhà giáo dục luôn đặt tâm huyết vào việc xây dựng môi trường phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ. Và đặc biệt là sự tham gia của: Tiến sĩ Yoojin Choi – Giảng viên Đại học Point Loma Nazarene, San Diego, California, Mỹ; Tiến sĩ Jae Hyeok Jang – Giảng viên Đại học Vanguard, Orange County, California, Mỹ; bà Nguyễn Thị An Quyên – Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Newton Sông Hồng; ông Vũ Trọng Đại – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm giám đốc công ty cổ phần Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời đại…
Tại hội thảo, hai diễn giả Yoojin Choi và Jae Hyeok Jang – tác giả của cuốn sách “Đào tạo nhân cách” đã có những chia sẻ thú vị về: Phương pháp giáo dục đã và đang được triển khai tại Trường Trung học Phillips Exeter (Phillips Exeter Academy) – Ngôi trường được Harvard bình chọn là trường học ưu tú nhất thế giới và Mô hình lớp học Harkness – mô hình học qua thảo luận, coi học sinh là trung tâm, coi trọng quá trình hơn kết quả tại Phillips Exeter Academy.
“Mô hình lớp học Harkness được biết đến dưới dạng 12 học sinh ngồi quanh một chiếc bàn hình bầu dục và học hỏi thông qua tương tác và thảo luận với nhau. Giáo viên tham gia thảo luận nhưng vai trò của giáo viên không phải là cung cấp tất cả thông tin mà là người điều phối” – tiến sỹ Jae Hyeok Jang chia sẻ tại hội thảo.
Tác giả Yoojin Choi cũng chia sẻ rằng phương pháp giáo dục và mô hình lớp học Harkness tại Trường Trung học Phillips Exeter được đánh giá có những nét tương đồng với phương châm giảng dạy của Trường Phổ thông Liên cấp Newton Vĩnh Phúc, và bà cũng đánh giá rất cao mô hình đào tạo nhân cách, đạo đức cho học sinh tại EQuest và Trường Phổ thông Liên cấp Newton Vĩnh Phúc: “Thật tuyệt vời khi chương trình giáo dục ở Việt Nam, tại Trường Phổ thông Liên cấp Liên cấp Newton Vĩnh Phúc cũng có những phương pháp giáo dục tương đồng như chúng tôi”.
Nói thêm về khả năng triển khai mô hình lớp học Harkness cho học sinh Newton, thầy Lê Tiến Thành – Hiệu trưởng Trường TH & THCS Thực nghiệm Victory (Thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest) cho biết: “Ở Trường Phổ thông Liên cấp Newton Vĩnh Phúc cũng đã xuất hiện mô hình lớp học này dưới dạng thảo luận nhóm. Điều khác biệt khi triển khai mô hình lớp học Harkness ở Phillips Exeter so với Việt Nam là học sinh được tự do chia sẻ, được tôn trọng ý kiến và không có người lãnh đạo. Thầy cô ở Phillips Exeter chỉ đóng vai trò điều phối, học sinh sẽ là trung tâm lớp học. Nếu Việt Nam, cụ thể là trường Newton, để triển khai mô hình lớp học Harkness, ban lãnh đạo trường có thể chia lớp học ra thành nhiều nhóm nhỏ để triển khai, và khi đó thầy cô phải là người điều phối, kết nối được các nhóm với nhau”.
Với mục tiêu giáo dục coi “dạy người” và “dạy chữ” là hai nhiệm vụ song hành, hai trọng trách cốt lõi gắn bó mật thiết và xuyên suốt trong suốt trong sự nghiệp giáo dục, Trường Phổ thông Liên cấp Newton Vĩnh Phúc (Newton Vĩnh Phúc) là một trong những trường đi đầu trong việc đưa chương trình giáo dục nhân cách cho mỗi học sinh.
Cùng với lộ trình đào tạo kỹ năng và kiến thức, việc “dạy người” tại Newton Vĩnh Phúc tập trung vào giáo dục nhân cách, đạo đức, để mỗi học sinh có đủ những phẩm chất, bản lĩnh để tự tin tham gia vào quá trình hội nhập, phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn được chào đón ở các môi trường học tập và làm việc ở nhiều nước trên thế giới.
Lãnh đạo và các thầy cô tại Newton Vĩnh Phúc quan niệm, tại mỗi gia đình, mỗi nhà trường; cha mẹ và thầy cô chính là những người gieo những hạt mầm đạo đức, nhân cách đầu tiên cho con trẻ. Nếu gieo hạt mầm khỏe và chăm sóc tốt, chúng ta sẽ nhận được quả ngọt. Vì vậy, EQuest nói chung và tại Hệ thống trường liên cấp Newton nói riêng, luôn không ngừng cố gắng tạo ra môi trường giáo dục văn minh và hiện đại nhất, để mỗi học sinh luôn được quan tâm và tôn trọng.