Kiểm định Cognia – Chia sẻ từ góc nhìn của nhân sự đơn vị tham gia Kiểm định

Để đạt được kiểm định là một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của cả một tập thể, từ lãnh đạo cho đến từng nhân viên và giáo viên trong tổ chức. Chúng ta hãy lắng nghe nhân sự của các đơn vị tham gia kiểm định chia sẻ về góc nhìn của bản thân về kiểm định Cognia.

1.Vai trò được phân công của anh/chị trong dự án kiểm định là gì?

Ms. Nguyễn Thanh Phương Vy – Project Leader – Khối EdTech: Tôi được Ban Giám đốc tin tưởng phân công điều phối dự án kiểm định của Khối Công nghệ Giáo dục (EdTech Division). Tôi phối hợp cùng Ban Kiểm định Tập đoàn lên kế hoạch, phối hợp các phòng ban liên quan và triển khai thực hiện các công tác kiểm định đối với các đơn vị trong khối, hướng dẫn và theo dõi để đảm bảo việc thực hiện các kế hoạch cải tiến theo tiêu chuẩn Cognia.

Mr. Huỳnh Lê Hoài Thanh – Trưởng phòng Marketing – iSMART Education: Trong dự án kiểm định Cognia, tôi phụ trách toàn bộ về định hướng phát triển thương hiệu bao gồm chiến lược, chiến thuật thực thi, sáng tạo các thiết kế, ấn phẩm bao gồm cả ấn phẩm in ấn và ấn phẩm trực tuyến để đảm bảo toàn bộ kế hoạch và hình ảnh của thương hiệu theo đúng quy định của thương hiệu đã được đề ra.

Mr. Nghiêm Xuân Lâm – Nhân viên IT – Trường Phổ thông liên cấp St. Nicholas: Trong dự án kiểm định Cognia, Bộ phận IT đã được tham gia vào các hạng mục sau: đảm bảo hạ tầng CNTT, hệ thống kết nối internet, wifi, các ứng dụng, máy chủ,… hoạt động ổn định, và triển khai, quản lý vận hành các phần mềm nghiệp vụ, ứng dụng các công nghệ vào dạy học.

2. Việc đơn vị tham gia kiểm định Cognia có tác động như thế nào và mang lại lợi ích gì cho công việc hiện tại của anh/chị?

Ms. Văn Ngọc Ánh – Trưởng phòng Đào tạo khu vực Miền Nam – iSMART Education: Trong thời gian vừa qua, tôi nhận thấy việc tham gia kiểm định Cognia đã đem lại những tác động sau:

  • Hướng việc quản lý chất lượng giảng dạy vào đối tượng học sinh, thay vì chỉ là giáo viên như trước đây;
  • Đồng bộ hoá việc đánh giá chất lượng dạy và học ở các vùng miền;
  • Tạo cơ hội cho toàn đội ngũ được tiếp cận với các tiêu chuẩn đánh giá giảng dạy ở tầm quốc tế;
  • Kiểm soát chất lượng học tập của học sinh tốt hơn nhờ vào công cụ và định hướng đánh giá mới;
  • Tạo cơ hội rà soát và cải thiện các quy trình và công cụ đánh giá hiện có.

3. Việc anh/chị làm đóng vai trò như thế nào trong quá trình thực hiện dự án kiểm định tại đơn vị?

Ms. Nguyễn Thị Ngọc Hân – Trưởng phòng Đào tạo khu vực Miền Bắc – iSMART Education: Tôi làm đào tạo nên vai trò vô cùng quan trọng của tôi trong quá trình thực hiện dự án kiểm định tại đơn vị là làm thế nào để nâng cao năng lực dạy và học. Có thể nói, việc đơn vị tham gia kiểm định quốc tế vừa là một áp lực cũng là cơ hội cho tôi để đổi mới tư duy tổ chức dạy và học hiện tại. Tôi cần trang bị cho giáo viên những gì? Đào tạo họ như thế nào? Tổ chức dạy học như thế nào? để có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn đưa ra bởi Cognia. Đó là nhiệm vụ của tôi.

Ms. Nguyễn Thị Thanh Hằng – Trưởng Bộ phận Hành chính – Nhân sự – IvyPrep Education: Ngay từ những bước đầu khi tham gia vào dự án kiểm định, bản thân tôi và bộ phận đã học hỏi và trải nghiệm được nhiều điều:

  • Thứ nhất: việc tham gia kiểm định Cognia thúc đẩy nhân sự thành lập và ban hành những văn bản về quy trình làm việc giúp quá trình xử lý công tác Hành chính – Nhân sự được chuyên nghiệp hơn, việc đào tạo nhân viên mới dễ dàng hơn, và quản lý nhân viên cũ có hệ thống hơn;
  • Thứ hai: việc tham gia kiểm định còn giúp đội ngũ Hành chính – Nhân sự được học hỏi thêm các tiêu chí đánh giá quá trình làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế, biết thêm các công cụ đánh giá và giúp tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đạt hiệu suất cao;
  • Thứ ba: việc tham gia này cũng giúp Bộ phận chúng tôi đánh giá được những ưu điểm và thiếu sót của bản thân từ đó cả thiện để hoàn thiện hơn.

4. Theo anh/chị, sau khi đạt kiểm định thì đơn vị sẽ như thế nào?

Ms. Trần Thị Minh Nguyệt – Giáo viên Tiểu học – Trường phổ thông Liên cấp St. Nicholas: Sau khi đạt kiểm định thì trường sẽ có nền móng vững chắc hơn nữa để phát triển trong tương lai, tạo ra môi trường học tập và làm việc tốt theo đúng định hướng, tầm nhìn là trở thành trường quốc tế có quy mô đẳng cấp khu vực miền Trung với chương trình đào tạo chuẩn Mỹ. Đồng thời tạo nên môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cá nhân, đảm bảo lộ trình thăng tiến trong công việc, và đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho giáo viên, nhân viên nhà trường.

5. Có những khó khăn nào anh/chị gặp phải trong quá trình này không? Anh/chị đã vượt qua như thế nào? Lãnh đạo đơn vị đã hỗ trợ anh/chị như thế nào?

Mr. Trần Đường Khang – Giáo viên & Điều phối viên học thuật – IvyPrep Education: Phải đảm bảo tính phát triển toàn diện của từng học sinh (không chỉ dừng lại ở 1-2 kỹ năng đơn lẻ), dẫn tới khó khăn lớn nhất chính là tính cá nhân hóa trong công tác đào tạo. Mỗi học sinh cần phải được tiếp cận và phát triển đồng đều như nhau. Vì vậy, chúng tôi cần khá nhiều thời gian để tiếp cận và sâu sát với học sinh và phụ huynh.

Cảm ơn các anh/chị đã chia sẻ!

Ban Kiểm định hy vọng bài phỏng vấn trên sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về kiểm định, không chỉ về nhiệm vụ, vai trò của mỗi cá nhân mà còn là sự sẻ chia về những khó khăn mà mỗi người đang gặp phải trong quá trình này. Mỗi cá nhân của EQuest hãy cùng đồng lòng chung sức hướng tới cùng một mục tiêu chung, đó là đạt được kiểm định Cognia, góp phần thực hiện tầm nhìn EQuest đã đề ra “Đến năm 2025, EQuest sẽ trở thành một trong ba tổ chức giáo dục tư nhân lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Việt Nam, tính theo số lượng học sinh theo học và tầm ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục”.

TIN TỨC KHÁC